Chuyện làm giàu của đại gia sở hữu 20.000 căn nhà Sài Gòn

Google News

(Kiến Thức) - Các giai thoại kể về chuyện làm giàu của chú Hỏa đều đề cập đến sự cần mẫn, chịu khó và tài năng kinh doanh đáng ngưỡng mộ của ông.

Chú Hỏa (1845-1901) được biết đến là một trong tứ đại hào phú Sài Gòn xưa: "Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa" (tứ đại phú hào thời đó, những người sở hữu khối tài sản khổng lồ không ai sánh kịp).
Chú Hỏa là tên dân gian thường gọi, tên thật là Huỳnh Văn Hoa, vốn người làng Văn Tang, thuộc xã Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phúc Kiến, nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Chuyen lam giau cua dai gia so huu 20.000 can nha Sai Gon
 Chú Hỏa (1845-1901). 
Chú Hỏa sang Việt Nam vào khoảng năm 1863. Chú Hỏa còn được gọi tên là Hui Bon Hoa (phiên âm là Hứa Bổn Hỏa, hay còn gọi là Hứa Bổn Hòa) vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phúc Kiến. Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu.
Xuất thân nghèo khó, đến Việt Nam với hai bàn tay trắng, chú Hỏa khởi nghiệp bằng nghề thu mua phế liệu. Do chí thú làm ăn và biết nhìn xa trông rộng, nhạy bén với thương trường, chú Hỏa đã vươn lên trở nên giàu có.
Rất nhiều giai thoại kể về câu chuyện làm giàu của chú Hỏa.
Khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa vốn có nghề phân kim đã mua lại số hàng này và đã tách thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị. Chú Hỏa bắt đầu phất lên từ đó.
Có người cho rằng, trong một lần thu mua phế liệu, chú Hỏa nhặt được một túi vàng nằm trong chiếc ghế nệm cũ hay mua trúng một bức tượng đồng bên trong đầy vàng.
Nhờ biết đọc chữ Hán, chú Hỏa biết được món nào là đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, đời Hán. Chú mua rẻ bán đắt số đồ cổ trên, thu được một số tiền lớn tạo dựng sự nghiệp.
Theo một giả thuyết khác, chú Hỏa làm việc với một ông chủ người Pháp, nhờ tính siêng năng, thật thà nên ông chủ thương tình, giúp chú vốn liếng mở tiệm cầm đồ và buôn bán.
Dù là giai thoại nào, thì đều đề cập đến sự cần mẫn làm ăn, chịu khó của chú Hỏa. Ông biết tích lũy vốn và sử dụng lợi thế của bản thân trong quá trình kinh doanh, rất đáng trân trọng.
Khi đã bắt đầu có chút vốn trong tay, chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, bất động sản.
Chú Hỏa nhìn ra được tiềm năng của vùng đất đầm lầy quanh con rạch ngay trung tâm Sài Gòn mà người Pháp đang có kế hoạch xây chợ Bến Thành. Chú Hỏa đã tung tiền ra mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ và khi chợ Bến Thành xây xong, chú Hỏa đã có trong tay hơn 20.000 căn nhà thuộc ‘khu đất vàng’ cho thuê để hốt bạc dài dài.
Có được tiền bạc đồ sộ, Hứa Bổn Hỏa đầu tư vào lĩnh vực xây dựng. "Công ty của Hứa Bổn Hỏa và các con” cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.
Chuyen lam giau cua dai gia so huu 20.000 can nha Sai Gon-Hinh-2
 Bảo tàng  Mỹ thuật TP.HCM từng là dinh thự của chú Hỏa. 
Không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt các công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền… Trong số các công trình tiêu biểu vẫn được sử dụng cho đến ngày nay có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách Chính phủ, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace - Long Hải…
Trong đó, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chính là ngôi biệt thự hoành tráng của gia đình Hứa Bổn Hỏa xây dựng năm 1925. Tòa nhà được thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách Art - déco, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á-Âu, tường nhà được đúc kiên cố, dày từ 40-60cm.
Hoàng Minh