Hôm 8/6, CJ CGV tuyên bố sẽ bán 25% cổ phần trong CJ Vietnam, Công ty đầu tư bất động sản tại Việt Nam, với giá 32,4 tỷ won, tương đương với 5,4% vốn chủ sở hữu, dự kiến vào ngày 3/7.
Trong đó, CJ Vietnam là đơn vị xây dựng tòa nhà CJ ở TP Hồ Chí Minh. CJ CGV cùng với CJ Logistics, CJ CheilJedang (CJ Food), CJ ENM - mỗi đơn vị sở hữu 25% cổ phần Công ty này.
Ngay sau khi thông tin CJ CGV bán tháo cổ phần trong CJ Vietnam dư luận đã đặt câu hỏi: Như vậy, nếu CJ CGV bán tháo 25% cổ phần trong CJ Vietnam chỉ còn 3 Công ty “nâng đỡ”, CJ Vietnam có gặp khó vốn?
|
Tòa nhà CJ Tower của Công ty bất động sản CJ Vietnam. Ảnh: HelloVietnamese. |
Theo tìm hiểu của PV, CJ CGV là chi nhánh thuộc Tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề lớn bậc nhất Hàn Quốc CJ. Đây là Tập đoàn hoạt động đa ngành nghề với 4 lĩnh vực kinh doanh chủ yếu, bao gồm: Thực phẩm - Dịch vụ ẩm thực; Công nghệ sinh học - Dược phẩm; Giải trí - Truyền thông; Bán lẻ - Vận tải.
CJ được thành lập từ năm 1953 bởi Tập đoàn Samsung và là Công ty sản xuất đường đầu tiên của Hàn Quốc lúc bấy giờ.
Đến năm 1995, CJ tách khỏi Samsung và phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những Tập đoàn hàng đầu châu Á.
Từ năm 1998, CJ vào Việt Nam, nhưng năm 2014 CJ mới nổi lên sau thương vụ mua lại hệ thống Megastar và đổi tên thành CJ CGV.
Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 bùng phát nên cấu trúc tài chính của CJ CGV cũng suy yếu đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu của Công ty tăng gần 200% trong 3 tháng vừa qua, lên mức 845%. Tuy vậy, tổng số vốn lại giảm 22% trong cùng kỳ.
Nếu so với một năm trước, doanh thu của CJ CGV giảm mạnh, số lỗ tăng từ 85,7 tỷ won (khoảng 71 triệu USD) lên tới 118,6 tỷ won (khoảng 99 triệu USD). Các khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng mạnh.
Hiện tại, CJ CGV là một trong top 5 cụm rạp chiếu phim lớn nhất toàn cầu và là nhà phát hành, cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam.
Khánh Hoài (tổng hợp)