Cô gái hái quả vườn phơi nắng rồi đục đẽo thành tuyệt phẩm

Google News

Bỏ ra một chút công sức cùng với óc sáng tạo, cô gái đã có ngay những thứ đồ độc đáo, vô cùng tiện lợi mà ít ai có.

Có cô gái hái quả cây ngoài vườn về dùng nhưng quả đã già, lại không thể ăn được nữa, cô liền móc hết ruột trong quả, phơi khô rồi mày mò trang trí. Kết quả cô đã tạo nên là đồ dùng khá hay ho và độc đáo, có thể sử dụng như giỏ đựng hay vật trang trí hiện đại.

Nếu nghĩ rằng những loại cây trồng ăn quả chỉ được trồng để lấy quả thì bạn đã lầm. Ngày nay, những bộ phận tưởng như bỏ đi của nhiều loại cây trồng được người nông dân tận dụng và sáng tạo nên các sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao đến không ngờ.

Trên thực tế, có không ít những “kiệt tác” vô cùng độc đáo được tạo nên từ thân, vỏ, lá, hay các bộ phận khác của những loại cây trồng quen thuộc mà chúng ta thường bỏ đi vì không biết đến công dụng của chúng. Hãy chiêm ngưỡng những tác phẩm hay ho dưới đây, có thể bạn sẽ không tin vào mắt mình đấy.

Đồ dùng độc đáo từ cây dừa

 Sản phẩm bộ ấm chén làm từ gỗ thân dừa được nhiều người yêu thích khi thăm Bến Tre.
Nước dừa sau khi được sử dụng như một thức uống giải khát tuyệt vời, bạn thắc mắc rằng họ sẽ làm gì với vỏ trái dừa hay thân cây dừa? Ngay tại Bến Tre hiện có hàng chục cơ sở làm thủ công mỹ nghệ dừa với quy mô lớn với gần 500 sản phẩm mỹ nghệ rất đa dạng.
 Đèn lồng làm từ vỏ trái dừa.

 Bát đĩa, thìa muỗng, gáo dừa.

 Quả dừa sau khi dùng hết nước được sử dụng làm ấm giữ nhiệt.
Đũa, muỗng, bát đĩa, thớt, vỏ đồng hồ, túi xách, lẵng hoa, đèn ngủ, giỏ đựng quà, lồng đèn, …đặc biệt là bộ ấm trà và vỏ giữ nhiệt cho ấm từ vỏ trái dừa khiến ai cũng “mê”. Thậm chí, một số người có thể dùng vỏ dừa để chế tạo các nhạc cụ, hoặc các hang động trong bể cá cảnh. Lá dừa rất linh hoạt và dẻo dai, được người bản địa sử dụng làm giỏ, thảm hoặc chổi.
 Một số sản phẩm trang trí đặc sắc được làm từ các bộ phận của cây dừa.

Sản phẩm từ cây chuối

Chuối không chỉ là một loại cây được trồng để lấy quả ăn, mà những bộ phận khác như thân, lá,... còn được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, thậm chí là chế tác nên những tác phẩm tuyệt vời.

 Ô xanh mát hay giỏ đựng quần áo từ lá chuối.

Bạn đã bao giờ thấy một chiếc ô được làm từ lá chuối tươi, hay tận tay sờ vào một cuốn sách với giấy được làm từ lá chuối chưa? Tại Ấn Độ, người ta không chỉ dùng lá chuối để gói bánh, làm thức ăn cho vật nuôi,… mà còn dùng để tạo nên những vật dụng không sử dụng chất liệu có hại cho môi trường.

Từ những chiếc ô, giỏ đựng quần áo, hay hộp đựng nữ trang,… đều có thể được các nghệ nhân khéo léo đan lợp từ lá chuối bỏ đi. Những sản phẩm giấy viết từ lá chuối có bề mặt nhẵn, thân thiện với môi trường, không thua kém các loại giấy cao cấp chất lượng cao khác, thậm chí cả giấy in cao cấp từ gỗ.

 Bẹ chuối được sử dụng làm vật đựng đồ dùng tiện lợi, thậm chí là bát đĩa.

Người Ấn Độ chế tác ra giấy viết từ...lá chuối, bạn đã từng nghe chưa? 

Những sợi tơ chuối sau khi tách bằng máy sẽ được đập, vắt, tách ruột, làm khô và đóng gói trong túi Polyetylen gọn gàng thành “vải chuối”. Vải từ cây chuối có thể làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp dệt hay tạo thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Ngay tại Việt Nam, những người nông dân đã từng dùng bẹ chuối để dệt chiếu, đặc biệt có độ bền, độ bóng cao, hoa văn bắt mắt, giảm đau lưng... đủ để có thể cạnh tranh với các loại chiếu nhựa, chiếu cói hay chiếu từ các vật liệu khác.

 Người ta tách sợi tơ chuối thành vải dùng để đan lát các đồ dùng hoặc đồ trang trí độc đáo.

Phần thân cây chuối gồm các lá bẹ kết thành thì được “hô biến” một cách thần kỳ thành những bộ bát đĩa độc đáo, chắc chắn, có độ bền cao. Tại Nhật Bản, bẹ chuối khi phơi khô còn là nguyên liệu tuyệt vời để tạo nên các sản phẩm đan độc đáo như bàn ghế, salon, va li, hộp ô van, khay, hộc, làn, giỏ xách…

Từ trái bầu hồ lô thành đồ thủ công mỹ nghệ

Từ lâu, quả bầu khô đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Việc tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống được coi như một nét văn hóa đặc trưng của các tộc người bản địa, trong đó quả bầu khô là một thực hành văn hóa và sinh kế hết sức sinh động.

 Chiếc đèn treo độc đáo được làm từ quả bầu hồ lô.

Những trái bầu hồ lô không chỉ cho quả hình dáng rất độc đáo mà còn có nhiều công dụng hơn bạn tưởng đấy. Bầu được lựa chọn những trái vừa, không quá lớn, có eo trên và dưới cân đối và được chăm sóc kỹ, không bị vênh méo, không bị ong chích.

Sau khi thu hoạch, thời điểm bầu chưa khô hẳn là lúc dùng khoan để đục lỗ, tạo hình cho quả bầu theo ý muốn. Chờ cho trái bầu khô, sẽ gắn bóng đèn và treo đèn theo nhiều cách khác nhau, từ đèn bàn, đèn chùm phòng khách, đèn ngủ, đèn treo tường…

Chắc hẳn ai cũng biết đến bầu rượu hồ lô này, và chúng được làm từ chính vỏ những quả bầu hồ lô khô. 
Với người dân dân tộc Êđê, vỏ quả bầu khô to đựng nước sinh hoạt hằng ngày, vỏ bầu khô nhỏ đựng nước hoặc cháo mỗi khi đi làm nương rẫy xa, làm muôi múc canh, làm chuông gió, những loại nhạc cụ dân tộc, đồ trang trí quán cà phê, làm đồ phong thủy…Nhờ thế mà người dân nơi đây cũng thêm một khoản thu nhập khá ổn.
 Các nghệ nhân còn chế tạo nhạc cụ dân tộc từ vỏ bầu hồ lô.
Theo Ngọc Quỳnh/Khampha