HVN bị hạn chế giao dịch
Ngày 5/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định đưa hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch.
Cụ thể, từ ngày 12/7, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chỉ được giao dịch phiên buổi chiều trên sàn HoSE.
Lý do được HOSE đưa ra là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
|
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch từ 12/7 (Hình minh họa) |
Trước đó một ngày, HOSE cũng có quyết định đưa cổ phiếu HVN vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/7, do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Vietnam Airlines cho biết, hãng đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để sớm đưa cổ phiếu HVN trở lại tình trạng giao dịch bình thường.
Hãng đang tập trung vào việc tái cấu trúc toàn diện và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, họ cũng đang hợp tác chặt chẽ với công ty kiểm toán để hoàn thành và công bố thông tin đầy đủ.
“Hiện, hoạt động khai thác của Vietnam Airlines diễn ra ổn định với gần 400 chuyến bay mỗi ngày, sẽ tiếp tục tăng cao thời giai đoạn cao điểm hè tới. Hãng đã chuẩn bị nguồn lực tốt nhất về gồm máy bay, phi công, tiếp viên và lực lượng mặt đất để đáp ứng nhu cầu thị trường hè”, đại diện Vietnam Airlines thông tin.
Thua lỗ bán đấu giá 3 tàu bay?
Kết thúc quý I, Vietnam Airlines đã doanh thu thuần hợp nhất trên 23.494 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, và cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong quý đầu năm, hãng đã có lãi trước thuế 19 tỷ đồng, sau 3 năm lỗ liên tiếp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Kết quả này có được nhờ hoạt động bay nội địa tăng mạnh, trong khi bay quốc tế đã gần như phục hồi như giai đoạn trước dịch COVID-19.
“Với tình hình thị trường phục hồi và nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, Vietnam Airlines tự tin sẽ nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn, nâng cao năng lực tài chính và phát triển bền vững. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Mặc dù doanh thu có “khả quan” hơn so với dịch COVID-19, mới đây Vietnam Airlines lại vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để bán 3 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2007.
Cụ thể, 3 tàu bay đều mang quốc tịch Việt Nam, có số hiệu lần lượt là A350, A351, A352. Mức giá khởi điểm Vietnam Airlines đưa ra cho từng tàu bay là 5 triệu USD, tương đương 118,7 tỷ đồng. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá là quý III năm nay.
|
Một trong 3 chiếc tàu bay sắp được Vietnam Airlines bán đấu giá |
Hiện tại, 3 tàu bay đậu tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Thực tế, từ năm 2020, Vietnam Airlines từng rao bán hàng loạt tàu bay A321CEO sản xuất giai đoạn 2004-2008 nhằm tái cơ cấu đội tàu bay, cũng như để cải thiện dòng tiền. Năm 2020, hãng hàng không quốc gia bán được 5 tàu bay A321 với giá 37 triệu USD, tương đương bình quân 7,4 triệu USD mỗi chiếc.
Năm 2021, Vietnam Airlines tiếp tục rao bán thêm 11 chiếc, trong đó có 2 chiếc tồn từ đợt thanh lý năm trước đó. Hãng cũng đã bán một số tàu bay ATR 72, loại thường được sử dụng để khai thác các chặng bay tại những sân bay có đường băng nhỏ như sân bay Điện Biên, Côn Đảo...
Theo Planespotters, đội bay của công ty mẹ Vietnam Airlines hiện có 94 chiếc, trong đó có 65 tàu A321 với độ tuổi trung bình là 9,3 năm. Việc bán máy bay của Vietnam Airlines là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu đội máy bay của hãng, gia tăng thu nhập và cải thiện dòng tiền.
Minh Châu (t/h)