Cổ phiếu Eximbank giảm sau lùm xùm bốc hơi 240 tỉ của khách

Google News

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu của ngân hàng Eximbank giảm nhẹ sau thông tin bị khách hàng khiếu nại vì làm mất 215 tỉ đồng và 3 lượng vàng.

Nhóm ngân hàng giảm điểm, chỉ số VN-Index không kịp đáp mốc 1.160 điểm - Ảnh: Duyên Phan 
Cụ thể, mã EIB của ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã giảm đi 300 đồng xuống còn 14.700 đồng một cổ phiếu.
Eximbank hiện tại đang đối diện với ba vụ khiếu nại của khách hàng gồm bốc hơi 245 tỉ ở TP.HCM, mất 50 tỉ tại Nghệ An và 3 lượng vàng tại Hà Nội, trong đó người mất vàng đề nghị thanh tra ngân hàng vào cuộc.
Bên cạnh Eximbank, các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đã có một phiên giảm điểm mạnh và dòng tiền dần dịch chuyển qua nhóm mã tiêu dùng và bất động sản.
Đối với nhóm ngân hàng, mã BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển giảm 1.100 đồng xuống còn 41.700 đồng một cổ phiếu còn mã MBB của ngân hàng Quân đội giảm 100 đồng xuống còn 35.900 đồng một cổ phiếu.
Mã VCB của ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam giảm 400 đồng xuống còn 74.300 đồng một cổ phiếu.
Trên sàn Hà Nội, mã SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội giảm 300 đồng xuống còn 13.500 đồng một cổ phiếu.
Sự sụt giảm của nhóm ngân hàng đã khiến cho thị trường mặc dù đã tiến mạnh mẽ trong phiên sáng nhưng cuối cùng lại quay đầu và đánh rơi mốc 1.160 điểm vào phiên chiều.
Áp lực chốt lời cao khi các mã lớn tăng giá quá nóng, tuy nhiên những mã trụ khác đã giúp thị trường không bị tụt sâu.
Đối với nhóm bất động sản, mã CTD của CTCP Xây dựng Coteccons tăng 100 đồng lên 161.600 đồng một cổ phiếu.
Mã DXG của Địa ốc Đất xanh tăng 2.500 đồng để vụt lên giá trần là 38.400 đồng một cổ phiếu trong khi mã NVL của Novaland tăng 5.400 đồng lên 84.300 đồng một cổ phiếu.
Mã VIC thuộc Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng tăng đến 4.700 đồng lên 104.400 đồng một cổ phiếu.
Một mã khác là VRE của Vincom Retail cũng của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 800 đồng lên 53.000 đồng một cổ phiếu.
Trong các phiên trước, hai mã cổ phiếu tỉ phú này được khối ngoại săn đón khi mua vào hàng triệu cổ phiếu một phiên. Tuy nhiên, hiện lực cầu từ khối ngoại đã giảm bớt ở hai mã này.
Trong khi đó, thông tin về việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với mặt hàng cá tra của Việt Nam cũng làm cho thị trường dao động khiến cho các cổ phiếu thủy sản chững lại sau một thời gian tăng trưởng vừa qua.
Mã VHC của Vĩnh Hoàn, một công ty xuất khẩu cá tra vào Mỹ khá nhiều, đã giảm 700 đồng xuống còn 55.500 đồng một cổ phiếu.
Trong khi đó mã ANV của CTCP Nam Việt cũng như MPC của CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đã đi ngang với mức giá là 20.550 đồng và 101.900 đồng một cổ phiếu.
Theo giới đầu tư, thị trường Việt Nam đang trong xu hướng tiến lên thế nên trong bối cảnh thị trường thế giới không có thông tin gì đáng chú ý trong phiên cuối tuần, các chỉ số của chứng khoán Việt Nam đã tăng nhanh trong phiên đầu sáng.
Thế nhưng, việc tập trung của dòng tiền quá mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đã vô tình khiến các nhóm này trở nên quá nóng.
Từ đó, tâm lý chốt lời của nhà đầu tư xuất hiện khiến cho việc bán ra mạnh vào phiên chiều, và thị trường sụt giảm nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19-3, chỉ số VN Index đã tăng 9,03 điểm (0,79%) lên 1.159,22 điểm.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đã tăng 1.00 điểm (0,75%) lên 134,1 điểm. Chỉ số Upcom-Index giảm 0,69 điểm (1,12%) xuống còn 61,11 điểm.
Trên ba sàn, tổng cộng có 317 mã tăng giá và 332 mã giảm giá. Giá trị giao dịch đạt khoảng 9.800 tỉ đồng.
Theo Phước Trí/Tuổi Trẻ