Cổ phiếu ngành dệt may lao dốc do bị kẹp giữa đại dịch Covid-19

Google News

(Kiến Thức) - Trong tâm dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành may đang là những chiến binh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bị kẹp chặt nguồn cung và nguồn cầu. 

Trên thị trường chứng khoán, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tới nay, nhiều cổ phiếu dệt may đã giảm rất sâu như TNG, TCM, MSH giảm trên dưới 40%. Các doanh nghiệp sợi cũng bị ảnh hưởng gián tiếp nên cổ phiếu cũng giảm mạnh như HSM, STK, FTM…

Đơn cử như cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã giảm 31% kể từ thời điểm cuối tháng 1, hiện chỉ còn 6.000 đồng/cp.

Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may Thành Công cũng phải chứng kiến cảnh giá cổ phiếu giảm từ 21.500 đồng xuống còn 11.400 đồng, tức giảm 47%. 

Tình hình kinh doanh hai tháng đầu năm của TCM cũng không mấy khả quan. Cụ thể, doanh thu đạt 494 tỷ đồng, giảm 21% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 19 tỉ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.

Co phieu nganh det may lao doc do bi kep giua dai dich Covid-19
Cổ phiếu dệt may từ sau Tết Nguyên đán. 

Cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng cũng giảm mạnh gần 50% từ 46.550 đồng/cp xuống còn 23.300 đồng/cp.

Một cổ phiếu dệt may giảm mạnh khác là cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, bốc hơi gần 52% về còn 7.700 đồng/cp.

Tuy cổ phiếu lao dốc nhưng kết quả kinh doanh của TNG khá khả quan so với công ty khác. Theo đó, Công ty báo tổng doanh thu tiêu thụ trong tháng 2 đạt 288,6 tỷ đồng, tăng 65% so cùng kỳ. Trong đó doanh thu xuất khẩu đạt 219,5 tỷ đồng, tăng 47%, doanh thu nội địa đạt 36 tỷ, tăng 240%.

Tính trong 2 tháng đầu năm, TNG ghi nhận tổng doanh thu tiêu thụ đạt 559,5 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Doanh thu nội địa trong tháng 2 năm 2020 tăng so với cùng kỳ 2019 chủ yếu đến từ các đơn hàng sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Covid-19 gây ra.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG còn tiết lộ, năm 2020 Công ty dự kiến kế hoạch tăng trưởng doanh thu khoảng 10% tức là lên quy mô 4.900 tỷ đồng.

Khó khăn do hiếm nguồn cung và bị chặn đứng nguồn cầu

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 3 tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự suy giảm rõ rệt. 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may quý 1/2020 đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Tính riêng trong tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm tới 29%. 

Trước đó, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ tăng trưởng ngành dệt may trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,2%, trong khi cùng kỳ tăng 10,6%.

Dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khiến các doanh nghiệp dệt may còn bị gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu nhất là từ Trung Quốc và gần đây còn hứng chịu “cú sốc” từ thông tin thị trường EU và Mỹ ngừng nhập hàng.

Co phieu nganh det may lao doc do bi kep giua dai dich Covid-19-Hinh-2
 

Vào ngày 20/03, thông tin từ Hiệp hội Thêu đan TP.HCM, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ vừa có thông báo ngưng nhập hàng may mặc từ Việt Nam trong 3 tuần kế tiếp. Trước đó, các nhà nhập khẩu từ EU cũng thông báo ngưng nhập hàng dệt may trong vòng 1 tháng.

Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn và quan trọng của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Với thị trường EU, năm 2019, khối này nhập khẩu 4,3 tỷ USD hàng dệt may từ Việt Nam, tăng 4% so với năm trước.

Với việc hai thị trường lớn nhất ngừng nhập hàng, điều này chắc chắn sẽ giáng đòn nặng nề đến các doanh nghiệp dệt may.

Bị ép chặt giữa hai cú sốc đầu vào lẫn đầu ra, hoạt động kinh doanh đi xuống và tâm lý bi quan kèm theo là chuyện có thể hiểu được.

Theo thông tin Vinatex, từ trung tuần tháng 3 liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng hầu hết đơn vị thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5. Thương hiệu càng lớn thì tỷ lệ cắt giảm hàng càng cao, và chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi.

Dự đoán tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng trưởng chậm. Trong khi đó, Trung Quốc đã hoạt động trở lại, cùng với cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, dự kiến giá giảm trên 20%.

Lãnh đạo Vinatex đưa ra giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6 thì ước tính ngành dệt may thiệt hại 11.000 tỷ đồng, riêng Tập đoàn thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Anh Nhi