Cổ phiếu STB bùng nổ trong phiên 22/9

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều tin đồn cho rằng ông chủ Thaco Trần Bá Dương mua cổ phiếu STB từ tay KienLongBank, đó là động lực cho việc bùng nổ của cổ phiếu STB hôm nay?

Phiên giao dịch 22/9 kết thúc, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) trải qua khá nhiều cảm xúc khi STB chuyển đỏ, xanh rồi bật trần.

Chỉ trong phiên sáng dư mua trần đạt hơn 2,3 triệu đơn vị. Thanh khoản cổ phiếu STB kết phiên sáng tiếp tục ở mức cao với gần 36 triệu cổ phiếu được trao tay. Kết phiên, cổ phiếu STB vẫn ở giá trần 12.550 đồng/cp, tổng khối lượng giao dịch đến 46 triệu đơn vị, dư mua gần 4 triệu cổ phiếu.

Không chỉ trong sáng nay mà đà tăng của STB đã tăng hơn 15% tính từ mức đáy cuối tháng 7 và gần 60% so với mức đáy cuối tháng 3. 

Trong ĐHĐCĐ thường niên 2020 được tổ chức vào tháng 6, Phó Chủ tịch Sacombank Nguyễn Miên Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay nhà đầu tư đã bán ròng cổ phiếu STB. Cổ phiếu STB dao động quanh mệnh giá 10.000 đồng/cp, có những lúc lên được gần 13.000 đồng/cp, tuy nhiên sau dịch Covid-19 xảy ra thì đã xuống 7.500 đồng/cp và nay đã lên lại.

“Giá cổ phiếu chưa phản ánh kịp tình hình kinh doanh của Sacombank bởi giá trị sổ sách đã gần 15.000 đồng/cp. Đây cũng là cơ hội cho cổ đông muốn tham gia lâu dài với ngân hàng” – Vị Phó Chủ tịch cho hay.

Co phieu STB bung no trong phien 22/9 nho ong chu Thaco ‘nhap cuoc’?
 Diễn biến tăng trở lại của cổ phiếu SBT gần đây.

Ông chủ Thaco mua cổ phiếu STB từ KienLongBank?

Cổ phiếu STB bắt đầu “rục rịch” khi Chứng khoán Liên Việt thông báo thoái vốn. Sau thất bại với ý định thoái vốn khỏi Sacombank trong cuối tháng 6 năm nay, Chứng khoán Liên Việt tiếp tục đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu STB từ ngày 31/8-29/9 nhằm mục đích đầu tư tự doanh.

Đây là lần thứ hai Chứng khoán Liên Việt muốn thoái toàn bộ vốn tại STB. Trước đó, Chứng khoán Liên Việt đã đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cp STB đang nắm giữ bằng phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 18/6-17/7. Tuy nhiên, Chứng khoán Liên Việt đã không bán vì điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Chứng khoán Liên Việt là đơn vị liên quan trực tiếp với Sacombank khi ông Nguyễn Văn Huynh, Thành viên HĐQT của Sacombank cũng là thành viên HĐQT của Chứng khoán Liên Việt. Trước đây, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank - cũng từng là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Liên Việt.

Ngoài việc thoái vốn của Chứng khoán Liên Việt, trong tháng 2 năm nay, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) đã có lần chào bán lần thứ 2 tài sản đảm bảo là gần 176,4 triệu cổ phiếu STB với giá khởi điểm 21.600 đồng/cp, gấp đôi thị giá ở thời điểm rao bán.

Đây là số cổ phiếu Sacombank thuộc sở hữu của các cá nhân trong nước, được thế chấp tại Kienlongbank nên ngân hàng này muốn rao bán để thu hồi nợ.

Trong lần chào bán này, KienLongBank hạ giá khởi điểm 21.600 đồng/cp, thấp hơn mức giá 24.000 đồng/cp ở lần thông báo trước đó. 

Tuy vậy, lần chào bán này cũng gặp thất bại khi chênh lệch giá khá lớn. Nhiều tin đồn trên thị trường chứng khoán cho rằng, KienLongBank sắp khởi động để thoái khoản tài sản trên do vậy giá cổ phiếu STB sẽ được “lái” tăng cao trong vài phiên sắp tới. Theo đó, ông chủ Thaco – Trần Bá Dương đã nhập cuộc và mua cổ phiếu STB trên với mức giá mua là 18.000 đồng/cp, thấp hơn mức giá chào bán lần 2 của KienLongBank.

Trong một báo cáo cập nhật gần đây, CTCK SSI đưa ra khuyến nghị khả quan cho STB với giá mục tiêu 13.830 đồng/cp. SSI cho biết STB được coi là một tổ chức tài chính đang gặp khó khăn. Ngân hàng phải đối mặt với các tài sản có vấn đề liên quan đến thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào cuối năm 2015.

Định giá STB trên cơ sở P/BV hoặc P/E vẫn là một điểm khá tranh cãi – vì điều này cũng không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, STB có định vị khá rõ ràng trong mảng ngân hàng với mạng lưới chi nhánh lớn nhất và số dư tiền gửi của khách hàng cao nhất trong số các NHTM cổ phần.

Do đó, SSI tin rằng định giá STB với phương pháp tiếp cận từ danh mục tiền gửi khách hàng có thể là thực tế nhất đối với vị thế của ngân hàng.

Co phieu STB bung no trong phien 22/9 nho ong chu Thaco ‘nhap cuoc’?-Hinh-2
 

Tình hình nợ xấu hiện tại của STB

Tỷ lệ nợ xấu trong các năm qua liên tục giảm theo chiều hướng tốt, nợ xấu nội bảng cuối năm 2017 là 4,67%, đã giảm mạnh về mức 2,2% hồi cuối năm 2018, đến năm 2019 chỉ còn còn 1,93%. Nợ xấu nội bảng được kiểm soát về dưới 2% thể hiện một sợ nỗ lực rất mạnh mẽ của ban lãnh đạo ngân hàng.

Trong năm 2017, STB đã xử lý được hơn 19 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó bao gồm thanh lí tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỉ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỉ đồng; tự xử lí, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỉ đồng. Trong hai năm 2018 và 2019 con số này là hơn 20 ngàn.

Tính từ thời chủ tịch Dương Công Minh lên nắm quyền, STB đã xử lý được 39,6 ngàn tỷ đồng nợ xấu, vượt tiến độ so với đề án NHNN phê duyệt.

Tuy vậy tính đến hết tháng 6/2020, nợ xấu nội bảng của STB đã tăng thêm gần 950 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,15%. Nợ xấu leo thang phần lớn xuất phát từ tác động của dịch COVID-19. Có thể, dịch đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp khiến họ gặp khó khăn nên tác động đến chất lượng các khoản vay.

Hoặc dịch tác động tiêu cực tới các hoạt động của ngân hàng khiến lượng trích lập dự phòng không như kế hoạch do đó ảnh hưởng đến lượng nợ xấu cần xóa bằng dự phòng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên đầu tháng 6, lãnh đạo STB cho biết Ngân hàng sẽ xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2020. Ông Nguyễn Đức Thạch cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm, doanh số đã đấu giá thành công là trên 9.700 tỷ đồng, thực thu tiền mặt là 1.800 tỷ đồng, từ giờ đến cuối năm sẽ thu phần còn lại. 7 tháng tới chắc chắn con số thu hồi nợ xấu sẽ vượt xa so con số kỳ vọng 11.000 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) chỉ giảm nhẹ, từ mức 10,88% cuối năm 2019 xuống 10,23%, tương đương giảm 0,65 điểm%.

Nói đi thì cũng nói lại, với những gì mà STB đã làm được trong 3 năm qua, thì đề án tái cơ cấu xác định trong 10 năm nhưng có thể rút ngắn xuống còn từ 3 - 5 năm. Tiến trình tái cơ cấu của STB thành công, sớm đưa nhà băng trở lại vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động hiệu quả, đứng trong TOP đầu nhóm ngân hàng tư nhân.

Khi xử lý được khối nợ xấu, STB sẽ giảm mức trích lập dự phòng hằng năm bên cạnh đó giúp ngân hàng có thêm nguồn tiền, giảm đi đáng kể số tài sản không sinh lợi từ đó tăng đòn bẩy lợi nhuận cho ngân hàng rất cao trong giai đoạn này. Do vậy, xử lý nợ xấu tốt sẽ là bệ phóng lợi nhuận cho STB trong thời gian tới.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank tăng mạnh 50% lên hơn 1.565 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm 2% về mức 1.129 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Sacombank đạt 481.898 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm chủ yếu nhờ tiền, vàng gửi tại các TCTD khác gấp đôi đầu năm, ghi nhận 25.882 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng tăng nhẹ 5% so với đầu năm lên mức 310.695 tỷ đồng. Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của khách hàng tăng nhẹ 6% so với đầu năm, đạt 5.748 tỷ đồng.

Anh Nhi