Cổ phiếu "vua" hết thời làm vua

Google News

Từng có giai đoạn, cổ phiếu ngành ngân hàng được gọi là cổ phiếu “vua”, bởi sức hấp dẫn cũng như tầm ảnh hưởng với thị trường chứng khoán khi đó.

Những năm 2006-2007, thị trường chứng khoán mới chỉ có STB của Sacombank niêm yết trên HOSE và ACB niêm yết trên HNX.
Ngành ngân hàng khi đó cũng được coi là ngành "cao cấp chỉ có lãi chứ không có lỗ”. Cả STB và ACB đều giữ vị thế lớn trong khối ngân hàng nên 2 cổ phiếu này có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chung.
Cổ phiếu “vua” một thời
Nhiều chuyên gia, công ty chứng khoán nhận định thời điểm đó là quãng thời gian “sốt nóng” của thị trường chứng khoán, khi số lượng cổ phiếu niêm yết ít ỏi không đáp ứng dòng tiền đầu tư trong nước và nước ngoài đổ vào thị trường.
Không thiếu những mã cổ phiếu thời điểm đó có giá lên tới 500.000-800.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng. Ngành ngân hàng là ngành có quy mô vốn lớn, hầu hết lại chưa được niệm yết nên cổ phiếu trở thành điểm đến lý tưởng cho dòng tiền đầu cơ khổng lồ.
Nhiều ngân hàng nhỏ đã phát hành gấp 3, 4 lần quy mô vốn trong thời gian ngắn vẫn được thị trường hấp thụ hết, với giá cao gấp nhiều lần mệnh giá. Nhiều chợ chứng khoán tự phát cũng được hình thành để phục vụ nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, như phố chứng khoán Nguyễn Công Trứ (TP.HCM), chợ OTC của MBBank (Hà Nội)…
 
Nhà đầu tư thời điểm này phong cho cổ phiếu ngân hàng là “vua không ngai” vì sự hấp dẫn của cổ phiếu nhưng lại chưa nhiều nhà băng chịu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Khi thị trường đang trong cơn khát, cuối năm 2007, Vietcombank tiến hành IPO với 97,5 triệu cổ phiếu được mang ra đấu giá, với giá khởi điểm lên tới 100.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng đăng ký mua lên tới 122,2 triệu đơn vị và giá đặt mua cao nhất là 250.000 đồng. Giá trúng bình quân là 107.860 đồng/cổ phiếu, đã giúp Vietcombank thu về dòng tiền khổng lồ.
Giờ ra sao?
Sau giai đoạn sốt nóng, từ 2008-2012, thị trường chứng khoán bắt đầu bão hòa, khi hàng loạt cổ phiếu lớn niêm yết.
Một năm sau Vietcombank IPO, cuối năm 2008, Vietinbank cũng tiến hành IPO. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm của VietinBank chỉ vỏn vẹn 20.000 đồng/cổ phiếu, với tổng cộng 53,6 triệu cổ phần.
Số lượng đăng ký mua cũng chỉ đạt gần 56 triệu đơn vị, với giá bình quân 20.265 đồng và cao nhất là 45.000 đồng. Kết quả, Vietinbank chào sàn với giá 40.100 đồng/cổ phiếu.
Cuối năm 2011, BIDV cũng tiến hành IPO với giá khởi điểm chỉ 18.500 đồng. Khi đó, giá VCB cũng chỉ vào khoảng 20.300 đồng và giá CTG là 17.400 đồng.
 
Nhiều ngân hàng từng làm mưa làm gió trên OTC như MBBank, Eximbank cũng đã tiến hành niêm yết đều không được chào đón như trước đó.
Trong nhiều năm liền, cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư bởi sự mong manh của hệ thống trước áp lực cho vay cũng như nợ xấu.
Đặc biệt, trong giai đoạn bong bóng bất động sản vỡ vào năm 2011-2012, hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề, số phận các cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, cổ phiếu ngành ngân hàng đang dần lấy lại hình ảnh của mình.
Những tháng cuối năm, VN-Index đang liên tục phá đỉnh, có thời điểm chỉ số này chạm mốc 970 điểm (4/12). Đóng góp không nhỏ là đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu “vua” một thời cả về giá lẫn thanh khoản, 7/10 cổ phiếu ngân hàng niêm yết nằm trong top 20 dẫn dắt chỉ số thị trường.
Trong khi đó, thống kê 9 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trước năm nay, thị giá nhóm này đã tăng gần 50% so với đầu năm. Cả 9 mã cổ phiếu này đều có đà tăng rất mạnh về thị giá, thấp nhất là VCB của Vietcombank với mức tăng 24,5% so với đầu năm. Trong khi đó, SHB, ACB và MBBank là những cổ phiếu có đà tăng giá mạnh nhất, lên tới hơn 80%.
 
Đầu năm, chỉ có VCB có thị giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Cả 8 nhà băng còn lại cổ phiếu đều có giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Hiện nay, đã có 5 mã cổ phiếu thị giá vượt trên 20.000 đồng và đang tiếp tục tăng.
Tuy tăng mạnh trong năm qua nhưng cổ phiếu “vua” vẫn chưa thể trở về đúng vị thế của mình. Cụ thể, trong số 13 ngân hàng niêm yết hiện nay có tới 3 cái tên đang phải giao dịch dưới mệnh giá gồm SHB (8.700 đồng); NCB (7.500 đồng); KLB (8.800 đồng).
Tuy tăng trưởng trong năm 2017 nhưng trong năm, nhóm cổ phiếu “vua” vẫn có những biến động bất thường khiến giới đầu tư lo ngại.
Ai mới là vua?
So với cổ phiếu những ngành nghề khác, vị thế của cổ phiếu ngân hàng đã giảm đi rất nhiều. Nếu xét về giá trị niêm yết của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán, top 1 hiện nay lại thuộc về các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống (F&B).
Cụ thể, trong nhóm 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay tới 3 doanh nghiệp F&B, bao gồm Vinamilk, Sabeco và Masan, với tổng vốn hóa gần 570.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị vốn hóa của cổ phiếu “vua” một thời trong nhóm này chỉ đạt 330.000 tỷ đồng gồm 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV và Vietinbank.
Xét về thị giá, cổ phiếu ngân hàng có giá cao nhất hiện nay cũng mới chỉ đạt 46.000 đồng/cổ phiếu là VCB, thấp hơn rất nhiều so với mức giá của thị trường. Trong khi đó, mức giá cổ phiếu cao nhất của các ngành khác như nông nghiệp hiện nay là NSC (109.500 đồng); ngành bất động sản xây dựng là CTD (226.000 đồng) hay ngành F&B là SAB (309.000 đồng)…
 
Rõ ràng, xét cả về vốn hóa và thị giá, cổ phiếu ngân hàng đã không còn duy trì được vị thế dẫn đầu của mình so với các ngành nghề khác. Niềm tự hào còn lại của nhóm cổ phiếu “vua” chính là thanh khoản.
Cụ thể, mức giá không quá cao cũng giúp khối lượng giao dịch mỗi phiên của cổ phiếu ngân hàng lên tới vài triệu đơn vị. Trong khi nhiều cổ phiếu ngành khác thị giá cao nhưng thanh khoản mỗi phiên chỉ trên dưới 1 triệu đơn vị hoặc vài trăm nghìn như SAB, VNM, VIC hay VRE…
Gần đây, SHB - nơi ông bầu Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch, đang là cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất khối, khi bình quân có hàng chục triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.
Tính trong 20 phiên gần nhất, trên 300 triệu cổ phiếu SHB đã được giao dịch với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng vẫn được xếp hạng thanh khoản rất tốt trên thị trường. Dù không tác động nhiều như những năm 2006-2007, hiện nay VCB, BID hay CTG mỗi khi biến động vẫn ảnh hưởng diễn biến của thị trường.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, những yếu tố tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng chủ yếu là tình hình tài chính nội tại của nhà băng, như tăng trưởng huy động-cho vay, tỷ lệ nợ xấu, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh khả quan.
Theo Quang Thắng/Zing