Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.
Nợ phải trả lên đến 1,6 triệu tỷ đồng
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016 này cho thấy hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm).
Đáng nói là tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ mức 1,2 triệu tỷ đồng lên trên 1,6 triệu tỷ đồng.
Đoàn giám sát cho rằng, DNNN “chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế” cũng như chưa thực hiện được “nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.
Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước như: TCT Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí....
1/4 dự án đầu tư ra nước ngoài thua lỗ
Bên cạnh đó, kết quả báo cáo còn chỉ ra hoạt động đầu tư ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD thì 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.
Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
|
Nhiều dự án yếu kém của ngành công thương khiến số nợ phát sinh nhiều. Ảnh minh họa: Hiếu Công/Zing. |
12 dự án ngàn tỷ thua lỗ: 'Ông lớn' Dầu khí, Hóa chất vô địch. Nguồn: VTV1HD/Truyền hình VnTube.
Việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.
Chỉ định thầu sai quy định tràn lan
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhà nước thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định của Nhà nước. Ví dụ điển hình là tại Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) và Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), một số đơn vị mua sắm tài sản chưa tuân thủ quy định của luật Đấu thầu...
Đặc biệt, tình trạng chỉ định thầu của các dự án đầu tư được thống kê là "khá phổ biến": Tập đoàn Dầu khí áp dụng hình thức chỉ định thầu tại dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi chưa bảo đảm điều kiện; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chỉ định thầu nhưng không tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, chỉ định thầu cho đơn vị thi công không đủ năng lực (Công ty Thuốc lá Thanh Hóa)...
Định giá sai giá trị DN để chiếm dụng cổ phần vốn
Trong khi đó, theo báo Giao thông, dẫn lại báo cáo Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhận định hầu hết các tổng công ty, tập đoàn khi cổ phần hóa 2011-2015 đều không tính được giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.
Còn theo ông Vũ Hồng Thanh, sai phạm chủ yếu của DNNN trong CPH là định giá sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá nhằm chiếm dụng vốn. Có trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp vượt quá 18 tháng nhưng không thực hiện các thủ tục xác định lại giá trị doanh nghiệp.
Sai phạm gần 347.000 tỷ đồng
Trước đó, thông tin VnEconomy cho hay, Thanh tra Chính phủ sau 19 cuộc thanh tra tại các DNNN đã phát hiện sai phạm số tiền 345.869 tỷ đồng, 48,3 triệu USD, 303.920 EURO. Tổng số tiền phát hiện sai phạm lên đến gần 347.000 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 1.038 tỷ đồng, 31.812 USD, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quản có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền trên 344.831 tỷ đồng, 48,3 triệu USD, 303.920 EURO.
Sai phạm của các DNNN, theo báo cáo, chủ yếu là do DNNN sai về thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định của nhà nước. Các doanh nghiệp này cũng mắc sai phạm về thẩm quyền, sai đối tượng cho phép, hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất, kinh doanh không đúng bản chất thực tế. Trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém cũng là một yếu tố dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật.
Hồng Liên (Tổng hợp)