Gần đây, đường dây nóng của Báo Tiền Phong nhận được phản ánh của một người chồng về thu nhập từ công việc trông nhà vệ sinh của vợ anh tại Công ty cổ phần Môi trường Thăng Long.
Anh này cho hay, từ đầu năm nay, TP Hà Nội có chủ trương không thu tiền tại các nhà vệ sinh công cộng, vợ anh chỉ được nhận đồng lương hơn 3 triệu đồng, bị nợ lương nhiều tháng, không đủ trang trải cho gia đình.
|
UBND TP Hà Nội đã quyết định miễn hoàn toàn phí sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Ngay lập tức, nhiều công nhân trông nhà vệ sinh kêu khó khăn. |
Tìm đến các nhà vệ sinh công cộng do Cty cổ phần Môi trường Thăng Long quản lý cho các quận nội thành Hà Nội tại các khu vực như Vườn hoa Lê Nin, hồ Ngọc Khánh, vườn hoa Lê Trực phố Sơn Tây, phố Quán Thánh… các công nhân, ở đây đều cho biết chỉ được trả lương 3,5 triệu đồng.
“Hai tháng qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được lương. Đã có nhóm công nhân đi hỏi nhưng chưa thấy công ty trả lời. Bây giờ cứ làm và chờ lương chứ chưa biết làm sao” – một công nhân (đề nghị dấu tên) trông nom nhà vệ sinh thuộc Cty cổ phần môi trường Thăng Long phản ánh. Cũng theo công nhân này, công nhân vất vả nhưng không dám công khai khiếu nại vì sợ bị đuổi hoặc chuyển việc.
|
Công nhân hằng ngày sinh hoạt ăn uống ngay cả trong khu nhà vệ sinh công cộng. |
Đại diện Cty cổ phần Môi trường Thăng Long cho hay, nguyên nhân công ty chưa trả lương công nhân vì các quận huyện chưa trả chi phí duy trì dịch vụ từ năm 2017 cho công ty này. Nói về việc công nhân không có tích luỹ, bị nợ lương sẽ rất khó khăn, vị này nói: "Việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội là vấn đề chung của toàn xã hội chứ không chỉ riêng công ty tôi".
Công nhân “cai quản” nhà vệ sinh thuộc hệ thống của các doanh nghiệp lớn hơn như Cty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cũng không có mức lương cao hơn là bao. Tại điểm nhà vệ sinh công cộng trước cổng trường ĐH Thủy Lợi, người công nhân ngoài 40 tuổi với khuôn mặt khắc khổ nhấp nhổm chạy ra chạy vào mỗi khi có khách ghé qua. Chị bảo, phải kiểm tra liên tục bởi đường ống thoát nước quá bé, khách xả nước không đúng cách sẽ bị tắc.
|
Đằng sau những nhà vệ sinh có vẻ ngoài hiện đại là cuộc sống quá khó khăn của các công nhân.
|
“Lương 3,8 triệu đồng không có phụ cấp. Trước được thu tiền có đồng ra đồng vào tăng thu nhập, chứ bây giờ thì vừa trông nom quét dọn vừa bán cốc trà đá có thêm thu nhập” – người công nhân này bộc bạch.
Đại diện Urenco cho hay, hầu hết các công nhân trông nhà vệ sinh đều được ký hợp đồng dài hạn, lương khoảng 6 triệu đồng. Lương thấp hơn là những công nhân quá tuổi, công nhân thời vụ, có người chỉ khoảng 4 triệu đồng. Đại diện Công ty này cho biết, số tiền lương cho công nhân thời vụ này được trả tuỳ thuộc vào thời gian làm việc, số lượng người sử dụng nhà vệ sinh.
Theo đại diện Urenco cho hay, đơn giá ngân sách thành phố Hà Nội cho việc quét dọn nhà vệ sinh không cao (?). Nếu muốn trả lương công nhân trông nhà vệ sinh cao hơn, họ buộc phải dồn doanh thu từ các dịch vụ có khoản thu tốt hơn để bù vào.
Hiện tại, mức lương trung bình của công nhân cả nước là 5,5 triệu (số liệu do Tổng Liên đoàn Lao động vừa công bố vào đầu tháng 7 vừa qua). Các công nhân trông nhà vệ sinh cho hay, với mức lương 3-4 triệu và chi phí đắt đỏ của Hà Nội, thu nhập đó không đủ sống.
Tuy nhiên, họ vẫn cố bám trụ với nghề vì chưa tìm được việc khác, chờ lấy lương hưu. Để cải thiện thu nhập, họ buộc phải làm thêm các việc không đúng quy định như bày ấm chè, trữ thêm vài chai nước mát bán quanh khu vực nhà vệ sinh. Tất nhiên, cũng có trường hợp, nếu khách chủ động cho, công nhân “buộc” phải vi phạm quy định không thu tiền phí vệ sinh của UBND TP Hà Nội đưa ra.
Hiện tại, các nhà vệ sinh trên địa bàn Hà Nội do 3 đơn vị Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), Cty CP Môi trường Thăng Long, Hợp tác xã Thành Công quản lý.
Theo Long Vân/Tienphong