Trong vụ việc ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp
Tân Thuận (IPC) vừa bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố và bắt tạm giam để điều tra hành vi "tham ô tài sản" và "vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", nhiều dự án sai phạm của Tân Thuận đã bị vạch tên, trong đó có
Khu dân cư Long Hậu.
Từ dự án này, có thêm tên tuổi của một doanh nghiệp khác cũng được nhắc đến, đó là Công ty Hồng Lĩnh.
|
Ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty IPC. Ảnh: Internet. |
Công ty Hồng Lĩnh có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh được cấp phép ngày 20/1/2003, có địa chỉ tại 24 Đường số 10, Khu biệt thự Sông ông Lớn, Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP HCM. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hồng Chương.
Thông tin trên báo chí cho biết, Thanh tra TP. HCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 4 dự án do IPC đầu tư. Đặc biệt là sai phạm trong quá trình hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh tại Dự án Khu dân cư Long Hậu dẫn tới thất thoát, không bảo đảm quyền lợi cho chính IPC và người dân mua đất nền tại dự án này.
Theo đó, IPC được UBND tỉnh Long An chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án KDC Long Hậu. IPC đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho các hộ dân. Sau đó, IPC đã hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án bằng hợp đồng số 70/HĐTĐTĐ - 2006 ngày 24/10/2006. Theo đó, Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường và chi phí ban đầu mà IPC đã đầu tư theo giá trị sổ sách. Hồng Lĩnh sẽ thực hiện đầu tư dự án và được quản lý, chuyển nhượng các sản phẩm.
|
Phối cảnh khu dân cư Long Hậu. Ảnh: Báo Xây Dựng. |
IPC lại được mua nền phục vụ tái định cư theo diện tích được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (60.276m2 và đơn giá là 630.000 đồng/m2), phần diện tích còn lại Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh.
Tuy nhiên, việc hợp tác giữa IPC và Cty Hồng Lĩnh là hoàn toàn vô lý, bởi IPC phải mua lại nền trên khu đất mình là chủ đầu tư theo diện tích được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (60.276m2 và đơn giá là 630.000 đồng/m2).
Bên cạnh đó, việc hợp tác đầu tư không xác định cụ thể giá trị, tỷ lệ góp vốn của mỗi bên, phân chia lợi nhuận theo giá trị vốn góp là không đúng nguyên tắc hợp tác đầu tư phân chia lợi nhuận, không đảm bảo quyền và lợi ích của IPC. Thực chất đây được cho là hợp đồng chuyển nhượng dự án trái với quy định.
Việc hợp tác giữa IPC và Công ty Hồng Lĩnh đã gây thiệt hại rất lớn. Công ty Hồng Lĩnh mới giao cho IPC 54.295m2 với giá 630.000đồng/m2. Phần đất thiếu còn lại là 5.982m2, IPC đã phải mua lại nền của các hộ dân không có nhu cầu để bố trí cho các hộ dân tái định cư khác có tổng diện tích là 5.900m2 với số tiền là 22 tỷ 540 triệu đồng. Trong khi đó, theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì người dân thuộc diện được tái định cư mua nền với giá 398.000 đồng/m2 hoặc 564.000 đồng/m2 (tùy từng trường hợp).
Hơn nữa, Dự án KCN Long Hậu được giao cho Công ty CP Long Hậu, doanh nghiệp này là một pháp nhân độc lập nhưng IPC đã bố trí tái định cư 100% cho dân cư bị ảnh hưởng bởi dự án đã không tính theo giá thị trường mà còn chịu thêm phần chênh lệch giữa giá mua lại của Công ty Hồng Lĩnh và giá bán cho các hộ tái định cư (630.000 đồng/m2 - 398.000 đồng/m2 hoặc 630.000 đồng/m2 - 564.000 đồng/m2). Trong khi đó, Công ty Hồng Lĩnh bán ra thị trường có giá từ 700.000 - 4.500.000 đồng/m2.
Theo TTXVN, việc hợp tác giữa IPC và Công ty Hồng Lĩnh thực chất là hợp đồng chuyển nhượng dự án trái phép gây thiệt hại cho Công ty IPC, dẫn tới việc Công ty IPC bị chiếm dụng tài sản, vốn đến nay chưa thu hồi đủ số tiền đầu tư. IPC buông lỏng quản lý, đã bị Công ty cổ phần Long Hậu chiếm dụng tiền và tài sản trong thời gian dài nhưng không xử lý. Đến tháng 8/2018 Công ty IPC mới nhận được tiền và nền đất tương đương gần 166,5 tỷ đồng từ Công ty Hồng Lĩnh và Công ty cổ phần Long Hậu.
Thế Hoàng (tổng hợp)