Công ty lỗ hàng trăm tỷ, Shark Vương từ chức ghế chủ tịch

Google News

Giữa lúc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ liên tục, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đã có đơn từ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần XNK Tổng hợp I Việt Nam và đã được chấp thuận.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (mã chứng khoán TH1) mới đây đã có thông báo về việc thay đổi nhân sự tại vị trí Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp. Theo đó, ông Trần Anh Vương sẽ không còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT tại công ty từ ngày 2/7. Người thay thế ông là ông Nguyễn Vĩnh Huy.
Tuy nhiên, ông Vương vẫn sẽ tiếp tục tham gia HĐQT TH1 với tư cách thành viên trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước đó, Shark Vương đã có đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT dù nhiệm kỳ của ông vẫn còn thời gian tới năm 2021.
 Ông Trần Anh Vương rời ghế Chủ tịch HĐQT TH1 dù vẫn còn nhiệm kỳ đến năm 2021. Ảnh: SharkTankVN.
Ông Vương là doanh nhân nổi tiếng được biết tới với vai trò một trong các “cá mập” của chương trình truyền hình SharkTank Việt Nam mùa 1. Ngoài vị trí Chủ tịch tại TH1, ông còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cấp cao tại một loạt doanh nghiệp có tiếng khác như Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư BVG (BVG); Tổng giám đốc Công ty cổ phần SAM Holdings (SAM); Thành viên HĐQT tại các Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN), Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) và Công ty cổ phần SAMETEL (SMT).
Ông Trần Anh Vương rời ghế Chủ tịch HĐQT TH1 diễn ra trong bối cảnh công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi đã lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng 3 năm liên tiếp.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, hoạt động của TH1 liên tục thua lỗ, riêng 3 năm 2015-2017 công ty đã lỗ ròng tổng cộng hơn 410 tỷ đồng. Trong quý I vừa qua, dù thu về 32 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động sản xuất, nhưng công ty vẫn tiếp tục báo lỗ ròng 2,2 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, công ty đang có khoản lỗ lũy kế lên tới 279 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ là 135 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty này đang bị âm 95 tỷ đồng.
 Trên sàn chứng khoán cổ phiếu TH1 cũng rơi vào tình trạng thanh khoản kém và đang phải giao dịch dưới mệnh giá, chỉ 5.500 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu công ty này hiện cũng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu trên Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2017 có số âm. Nguyên nhân được công ty đưa ra giải thích cho những khó khăn gặp phải do năm 2017 đơn vị phải tiếp tục trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 175 tỷ đồng, đồng thời với dư nợ vay cao, công ty đang phải chịu lãi vay ngân hàng cao, dẫn đến kết quả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế năm 2017 lỗ hơn 276 tỷ đồng.
Tuy nhiên, TH1 cho biết công ty đã xây dựng kế hoạch tài chính để có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn thông qua việc tái cơ cấu với ngân hàng, đẩy mạnh thu nợ và xử lý một số khoản đầu tư, tài sản.
Theo Hoàng Thanh/Zing