Nhưng liệu thời điểm này đầu tư có phải là hành động khôn ngoan hay nắm giữ tiền mặt mới thật sự an toàn?
Chứng khoán giảm sâu…
Tâm lý nhà đầu tư dường như có phần bình tĩnh hơn, khi áp lực bán không còn quá mạnh trên bảng điện tử trong phiên 25/3. Nhà đầu tư giao dịch xoay quanh vùng giá 685 và không có nhiều đột biến sau các đợt khớp lệnh.
Nếu nhìn rộng hơn từ Tết Nguyên đán đến nay, tính trên sàn HoSE trong 2 tháng qua số vốn hóa của thi trường đã mất đi 1/3 với khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Đỉnh điểm trong phiên giao dịch 23/3, VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%) xuống 666,59 điểm. Đây là phiên thứ 3 chỉ số này giảm trên 5% kể từ sau Tết nguyên đán, đồng thời, kéo VN-Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Phiên giao dịch này cũng chứng kiến hơn 200 mã giảm sàn trên HoSE chiếm 35% các mã đang niêm yết trên toàn thị trường. Riêng nhóm VN30, 27/30 mã giảm sàn trong đó 25 mã rơi vào tình trạng “trắng bên mua”.
Tính trên cả 2 sàn HoSE và HNX, 5 mã giảm giá nhiều nhất từ Tết Nguyên đán tới nay có thể kể đến là SAB, VJC, SCS, VNM, BHN. Trong số đó có 2 mã thuộc đại diện của ngành bia rượu (SAB và BHN), 2 mã đại diện cho ngành hàng không, vận tải (VJC, SCS) và đại diện còn lại thuộc về ngành sữa (VNM).
Chỉ trong 2 tháng thị trường bốc hơi hàng chục tỷ đô la vốn hóa, thị giá cổ phiếu rơi về vùng giá thấp khiến nhiều doanh nghiệp lập kế hoạch chi cả ngàn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.
Bất động sản “bất động”
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản hầu như không ghi nhận dự án mới nào mở bán. Các dự án còn căn hộ mở bán từ giai đoạn trước cũng không có giao dịch. Thị trường bất động sản gần như rơi vào trạng thái đóng băng.
Nhiều chủ đầu tư đã phải hoãn kế hoạch ra hàng. Khách hàng cũng lo sợ dịch bệnh nên ít quan tâm mua bán bất động sản. Thị trường vốn đã ít các sản phẩm mới từ giai đoạn trước do những vướng mắc về cơ chế chính sách lại càng khó khăn ở hiện tại.
Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, thị trường bất động sản tại các địa phương khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng án binh bất động.
Sau một cơn sốt đất chóng vánh, thị trường tại các địa phương này vẫn "lặng như tờ" ở thời điểm hiện tại. Các sản phẩm đầu tư trước đây vốn rất nóng, như đất nền, đều đã hạ nhiệt. Giao dịch bất động sản ảm đạm do thiếu vắng nhà đầu tư.
|
Nắm giữ tiền mặt được ưu tiên trong giai đoạn này. |
Dầu lao dốc, vàng nhảy múa
Dịch Covid-19 lan rộng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó, giá dầu thô đang trải qua giai đoạn lao dốc kỷ lục, xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua. Trong vòng 3 tháng đầu năm 2020, giá dầu thô thế giới lao dốc, giảm tới gần 70%.
Ngược lại, giá vàng liên tục nhảy múa khiến nhà đầu tư chóng mặt và loạn nhịp. Sau khi tăng lên sát ngưỡng 1.700 USD/ounce, giá vàng thế giới đã liên tục giằng co. Lúc mở cửa hôm nay, 25-3, giá vàng thế giới rơi xuống 1.600 USD/ounce trước khi tăng lên mức 1.629 USD/ounce lúc 10h30 phiên 25/3.
Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 46,46 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC lại liên tục thụt lùi. Thời điểm mở cửa, Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng lên đến 47,7 triệu đồng/lượng rồi giảm về 47,3 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước đang cao hơn 840.000 đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn xuống thấp hơn giá vàng thế giới, bán ra còn 45,8 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá bán - giá mua vàng miếng lên đến 750.000 đồng/lượng. Với vàng nhẫn, chênh lệch là 1 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia ủng hộ nắm giữ tiền mặt tại thời điểm này
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương cho biết “Đến thời điểm này, chúng ta chưa thể lường hết tác động của Covid-19 và cuộc chiến giá dầu đến nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, rủi ro cao, nhà đầu tư thường có một số cách đảm bảo giá trị đầu tư như đa dạng hoá các tài sản có thể nắm giữ”.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, trước đây, nhà đầu tư thường tìm đến vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, với tình hình khủng hoảng hiện nay, giá vàng biến động quá lớn do đầu cơ và không còn thu hút được nhà đầu tư.
“Trong khủng hoảng, nhà đầu tư hay tìm đến làm ‘hầm trú ẩn’ với loại tài sản như bất động sản, và hi vọng khủng hoảng nhất thời, nhanh chóng qua đi. Hoặc nhà đầu tư đi tìm tài sản tài chính ở các quốc gia có độ tin cậy cao như Trái phiếu Nhật Bản, đồng USD.
Nhưng bối cảnh hiện nay, các quốc gia này chưa chắc đã có độ an toàn cao. Còn tại khủng hoảng lần này, ưu tiên số 1 của nhà đầu tư là tiền mặt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư bán mọi tài sản để nắm giữ tiền mặt”, ông Thành cho biết.
Còn Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết: “Nguyên tắc thị trường đang giai đoạn quan sát thì cứ giữ tiền để canh. Thời điểm này chưa xuống được tiền thì giữ tiền vẫn là ưu tiên số một”.
Một chuyên gia chứng khoán giấu tên cho rằng: “Tại thời điểm này, tất cả các thị trường gồm chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ đều chi phối bởi tâm lý và không có tài sản an toàn nào cả, ngoại trừ tiền mặt. Thị trường chứng khoán do vậy cũng không thể dịch chuyển dựa vào việc đắt hay rẻ”.
Anh Nhi