Báo cáo tài chính của 5 doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm: Tổng công ty (TCT) Điện lực Miền Bắc, TCT Điện lực Miền Trung, TCT Điện lực Miền Nam, TCT Điện lực Hà Nội và TCT Điện lực TP.HCM cho thấy kết quả kinh doanh khá khả quan.
Kết thúc năm 2022, TCT Điện lực Miền Bắc ghi nhận doanh thu đạt 157.021 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 309 tỷ đồng, giảm 64%.
Doanh thu TCT Điện lực Miền Trung đạt 42.650 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế gần 454 tỷ đồng, giảm 57%.
Doanh thu TCT Điện lực Miền Nam trong năm 2022 xấp xỉ 152.709 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước đó; lợi nhuận trước thuế hơn 293 tỷ đồng, giảm 76%.
Doanh thu TCT Điện lực Hà Nội gần 46.783 tỷ đồng, tăng 10%; lãi trước thuế đạt 38 tỷ đồng, giảm 88%.
Doanh thu TCT Điện lực TP.HCM đạt 58.893 tỷ đồng, tăng 14% nhưng lãi trước thuế lại giảm 71%.
|
EVN làm ăn thua lỗ nhưng nhiều công ty con ghi nhận lãi nghìn tỷ đồng - Ảnh minh họa, nguồn: internet |
Bên cạnh đó, lượng tiền gửi ngân hàng tại các công ty con của EVN trong năm qua lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Đơn cử trong năm 2022, TCT Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, TCT Điện lực Miền Trung có khoảng 5.000 tỷ đồng, TCT Điện lực Miền Nam là gần 5.500 tỷ đồng, TCT Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỷ đồng và TCT Điện lực TP.HCM có gần 4.000 tỷ đồng gửi ngân hàng.
Nhờ số tiền gửi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã giúp các doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Kết thúc năm 2022, TCT Điện lực Miền Bắc ghi nhận lãi tiền gửi, tiền cho vay gần 371 tỷ đồng, trong khi đó lãi tiền gửi TCT Điện lực Miền Trung đạt gần 178 tỷ đồng; lãi tiền gửi của TCT Điện lực Miền Nam hơn 170 tỷ đồng; lãi tiền gửi của TCT Điện lực Hà Nội 166 tỷ đồng và lãi tiền gửi của TCT Điện lực TP.HCM là 155 tỷ đồng.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022, còn các công ty phát điện, gồm đơn vị thành viên của EVN, vẫn lãi hàng nghìn tỷ và có hàng chục nghìn tỷ gửi ngân hàng.
Trong văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội mới đây, EVN giải thích, cần xem xét con số gửi hàng chục nghìn tỷ với số dư nợ ngắn hạn, khoảng 60.045 tỷ đồng, tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.
Theo EVN, các khoản nợ ngắn hạn trên cho thấy số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn. "Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới", tập đoàn này giải thích.
Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký. Số tiền này cũng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng), và chi phí cho sản xuất kinh doanh.
"Các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc, lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện theo quy định, và có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị", EVN cho biết.
Đầu tháng 5/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc này được thực hiện sau thời gian dài EVN gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ lớn khi giá đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện tăng cao.
Mới đây, sau chưa đầy một chu kỳ thanh toán điện, EVN lại tiếp tục đề xuất cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ điện vào tháng 9/2023.
EVN cho rằng, để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện.
Minh Quang