Thời gian qua, nạn kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng xảy ra tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Long An, TPHCM... với hàng triệu lít bị phát hiện. Qua điều tra, nhiều cá nhân trong đường dây sản xuất, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng đã bị bắt, khởi tố.
Xăng “đểu”, kém chất lượng tràn lan
Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Đội 3, Phòng PC03, Công an tỉnh Bình Dương mua mẫu xăng, test nhanh sàng lọc trên địa bàn được phân công quản lý, phát hiện Công ty CP Sao Mai Sài Gòn (địa chỉ tại ga Sóng Thần, khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có dấu hiệu vi phạm về chất lượng.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã tiến hành test nhanh mẫu xăng Ron 95-III tại cột đo số 2 và cột đo số 4 (theo thứ tự đoàn kiểm tra quy định), kết quả có trị số octan lần lượt là: 86.5, 86.6.
Do nghi vấn về chất lượng xăng Ron 95-III đang kinh doanh, đoàn kiểm tra tiếp tục tiến hành lấy 1 mẫu xăng Ron 95-III tại cột đo số 2 để gửi đi thử nghiệm chất lượng. Kết quả thử nghiệm mẫu xăng Ron 95-III của Công ty CP Sao Mai Sài Gòn có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn tương ứng. Giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ tại thời điểm kiểm tra là trên 353 triệu đồng, tương đương trên 15.000 lít xăng.
Với hành vi vi phạm: “Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”, căn cứ vào các quy định về xử lý vi phạm hành chính, Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã trình và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Sao Mai Sài Gòn với số tiền gần 885 triệu đồng.
Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, hồi tháng 6/2022, UBND tỉnh này cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 860 triệu đồng đối với Công ty TNHH Một thành viên Bình Dương Phạm Vũ (phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) vì bán xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn. Theo phát hiện của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Một thành viên Bình Dương Phạm Vũ đã tiêu thụ số lượng xăng RON 95-III kém chất lượng là 11.460 lít.
Cùng hành vi vi phạm như trên, trước đó, tháng 3/2022, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành các quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH MTV Chung Phát (phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với số tiền gần 189 triệu đồng; xử phạt đối với chi nhánh 2 - Công ty TNHH kinh doanh xăng dầu Viễn Dương VCORP (khu phố Thạnh Lợi, phường An Thạnh, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) với số tiền hơn 256 triệu đồng do bán xăng kém chất lượng. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp này còn bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu 2 tháng.
Cũng trong tháng 3/2022, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này đã có tờ trình tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 220 - 300 triệu đồng, đối với Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Hương Vinh, chủ sở hữu Cửa hàng xăng dầu Hương Toàn (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), do vi phạm kinh doanh xăng RON 95-III có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN.
Kết quả phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, mẫu xăng thu tại Cửa hàng xăng dầu Hương Toàn trong suốt, không phân lớp và có tạp chất, chỉ tiêu trị số Octan: 94.4, không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 1:2015/BKHCN. Đoàn kiểm tra xác định, lượng hàng hóa vi phạm còn tồn lưu tại cửa hàng này gần 17.000 lít.
Hay tại Cần Thơ, tháng 11/2021, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ đã ban hành quyết định xử phạt chi nhánh Công ty CP xăng dầu KK OIL – Cửa hàng xăng dầu số 30 tại Cần Thơ (khu vực Phú Luông, phường Long Hưng, quận Ô Môn) số tiền 63,5 triệu đồng; Công ty TNHH MTV xăng dầu Ngọc Phát (địa chỉ tại ấp Thới Thanh, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) bị xử phạt với số tiền 60,5 triệu đồng. Kết quả xác định, 2 doanh nghiệp trên đã thực hiện hành vi vi phạm bán xăng không chì RON 95 có chỉ tiêu chất lượng không phù hợp với quy chuẩn. Đồng thời, 2 doanh nghiệp trên còn bị xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu 1 tháng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi, tái chế số lượng xăng kém chất lượng chưa tiêu thụ.
|
Cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thôn Vĩnh Lộc (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội). Ảnh: Cục QLTT TP Hà Nội. |
Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vào cuối tháng 5/2021, cơ quan chức năng tỉnh này đã lập biên bản vi phạm hành chính trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hơn 409 triệu đồng đối với 2 cửa hàng kinh doanh xăng Ron 95-III kém chất lượng trên địa bàn. Đó là cửa hàng xăng dầu Nhà Bè 8 (địa chỉ số 205 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, TP Vũng Tàu) và cửa hàng xăng dầu Nhà Bè (địa chỉ ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng, TP Bà Rịa) đều thuộc Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu xăng dầu Nhà Bè Vũng Tàu. Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng buộc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tại 2 cửa hàng trên đối với 1.626 lít xăng Ron 95-III còn tồn tại bồn chứa, đình chỉ hoạt động 1 tháng.
Tháng 4/2021, UBND tỉnh Phú Yên cũng quyết định xử phạt Công ty TNHH xăng dầu Khánh Quỳnh (thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) 616,1 triệu đồng về hành vi bán 8.353 lít xăng RON95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đồng thời bị phạt 35 triệu đồng vì đã mua 4.500 lít dầu DO 0,05S-II không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cùng đó, quyết định tịch thu, sung công quỹ 4.500 lít dầu DO 0,05-II không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh 2 tháng đối với doanh nghiệp này.
Gần nhất, tháng 4/2023, Đội QLTT số 19 (Cục QLTT TP Hà Nội) đã chuyển một vụ việc cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thôn Vĩnh Lộc (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) có dấu hiệu về tội lừa dối người tiêu dùng thu lợi bất chính sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Theo đó, thời điểm kiểm tra cửa hàng trên, cơ quan chức năng phát hiện tại đây có 3 cột bơm xăng RON 95- III và 1 cột bơm xăng RON92- II và 4 cột dầu Diezen 0,005S, giá xăng RON 95-III niêm yết tại cửa hàng là 24.240 đồng/lít. Cơ quan chức năng đã lấy 3 mẫu xăng RON 95-III tại cửa hàng đem đi phân tích kiểm nghiệm cho thấy, toàn bộ chỉ số Octan và hàm lượng Ethanol đối với xăng RON 95-III do cửa hàng kinh doanh không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật cho phép…
Xử lý nghiêm kinh doanh xăng giả, kém chất lượng
Ở diễn biến liên quan, ngày 23/3/2023, Tổng Cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, nội dung văn bản nêu rõ, hiện nay, trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu còn diễn biến phức tạp, trong đó có hiện tượng nhiều đối tượng lợi dụng việc nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số thời điểm trên địa bàn các tỉnh, thành phố để kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng. Do vậy, giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và nội dung trong Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu. Đáng chú ý, Tổng cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, theo đó phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng.
Đồng thời, Tổng cục QLTT nhấn mạnh, phải kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Mặt khác, Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn để tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng về các nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả, kém chất lượng.
Liên Hà Thái (t/h)