“Săn” cua đồng xuyên đêm
Vào cuối tháng 3.2018, trên những cánh đồng lúa thuộc huyện Yên Thành, hàng chục người không kể nắng mưa hay đêm tối, tay xách giỏ, bao, chậu bắt đầu công cuộc đi “săn” cua đồng. Những người rảnh thì đi “săn” vào ban ngày, người bận công việc thì chờ đêm tối là xuất phát.
Chỉ cần đi “săn” khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ là bà con đã có thể bắt được từ 2 - 6kg cua, giá mỗi kg thời điểm này dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.
|
Người dân mang cua vừa bắt được đến bán tại cơ sở thu mua của chị Nguyễn Thị Tuyết. Ảnh: Cảnh Thắng |
Chị Nguyễn Thị Tuyết, một người thu mua cua đồng ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết: “Từ thời điểm ra tết đến nay, giá cua đồng liên tục tăng cao, có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg, vì thế tôi có đặt vấn đề thu mua cua đồng ở khu vực xã Bắc Thành. Cứ khoảng 7 giờ tối, sau khi ăn cơm xong là tôi đến điểm thu mua cùng con gái, chờ những người nông dân nơi đây đi “săn” cua về. Mỗi đêm tôi thu mua từ 10 - 20 yến cua đồng, rồi đưa lên xe ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ...”.
“Khách hàng của tôi chủ yếu là các thương lái ở Hải Phòng, Hà Nội. Tùy theo lượng cua đồng tôi thu mua được, tuy nhiên tôi thu mua bao nhiêu là họ lấy bấy nhiêu, mua hết. Mấy năm trở lại đây, cua đồng càng ngày càng hiếm nên giá bán mới cao như vậy” - chị Tuyết cho biết thêm.
Trao đổi với Báo NTNN/Dân Việt, chị Nguyễn Thị Thanh ở xóm Bắc Sơn 1 cho hay: “Thời gian này, vợ chồng chúng tôi cũng rảnh rỗi, việc đồng áng thưa dần nên hàng ngày, mỗi khi đi thăm đồng làm cỏ tôi cùng chồng thường tranh thủ đem theo xô, chậu để bắt cua. Tối đến, sau khi ăn cơm xong tôi và chồng cũng rủ nhau đi săn cua trong đêm".
"Mỗi ngày chúng tôi bắt được từ 3 - 5kg, với giá cua như hiện nay, vợ chồng tôi cũng kếm được trên dưới 200.000 đồng/ngày” - chị Thanh nói thêm.
Không chỉ riêng vợ chồng chị Thanh mà còn rất nhiều những cặp vợ chồng khác cũng tranh thủ đi “săn” cua trong đêm để kiếm thêm thu nhập. Thậm chí nhiều em học sinh tranh thủ thời gian rảnh cũng ra đồng bắt cua phụ giúp cha mẹ.
Nghề “săn” cua đồng cũng rất đơn giản, chỉ với dụng cụ săn đơn giản như chiếc xô, hoặc chiếc bì nhỏ được đục lỗ nhỏ để thoát khí, cùng với chiếc gậy sắt nhỏ để phòng rắn cắn là có thể lên đường đi “săn”.
Nghề phụ cho thu nhập cao
Theo đầu nậu Ngọc Huân ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, ban đầu mọi người chỉ coi đây là nghề phụ, tranh thủ thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người kiếm được từ 200.000 - 500.000 đồng/ngày nhờ đi bắt cua.
Thu nhập cao, lại dễ bán nên nhiều gia đình ở các huyện khác như Đô Lương, Nam Đàn, Diễn Châu cũng đổ xô ra đồng săn cua.
|
Sau khi bắt và nhập cho thương lái, nhưng người thu mua lựa chọn những con khỏe để thua mua. Ảnh: Cảnh Thắng |
Cũng chính từ việc cho thu nhập “khủng” nên không ít người đã bỏ việc đi làm thuê ở các khu công nghiệp để ở nhà đi bắt cua. Vừa được nhiều tiền hơn, lại có thời gian ở nhà phụ giúp gia đình và nghỉ ngơi.
Đầu nậu Duyên Bằng ở Chợ Rộc xã Trung Thành, huyện Yên Thành cho biết thêm: “Có bao nhiêu cua chúng tôi cũng thu mua hết, thậm chí còn xảy ra việc tranh giành cua giữa các đầu nậu. Số cua đó chúng tôi gom theo đơn đặt hàng của các đại lý ngoài Hà Nội và Hải Phòng để làm bún riêu, hoặc nấu canh cua”.
“Không chỉ riêng gia đình chúng tôi mở điểm thu mua mà ở huyện Yên Thành này, hiện có tới trên dưới 10 điểm thu mua. Mỗi ngày chúng tôi đều chuyển từ 2 - 3 tạ cua ra Hà Nội tiêu thụ...”.
Theo Cảnh Thắng/Dân Việt