Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP.HCM) ngày 31/12 trên báo Pháp luật TP.HCM.
Theo ông Thiện, đối với trường hợp Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Cục Thuế TP.HCM áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên. Cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện này.
|
Sabeco vừa bị Cục Thuế TP HCM cưỡng chế hơn 3.100 tỷ đồng thuế. |
Trước đó, nếu nợ thuế dưới 30 ngày thì cơ quan thuế sẽ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật để yêu cầu nộp tiền thuế nợ. Trong trường hợp nợ thuế từ 31 ngày trở lên, cơ quan thuế sẽ ban hành 100% thông báo tiền nợ thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp theo quy định. Thông báo này sẽ được gửi trực tiếp đến địa chỉ người nợ tiền thuế.
Đối với các khoản nợ trên 60 ngày, cơ quan thuế sẽ ban hành văn bản đôn đốc, trong đó nêu cụ thể các biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu người nộp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Trường hợp nếu doanh nghiệp nợ thuế quá 121 ngày, cơ quan thuế cũng sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Sau khi hết thời hạn của quyết định cưỡng chế hóa đơn (một năm), nếu doanh nghiệp chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ, cơ quan thuế sẽ tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế.
Bên cạnh đó, biện pháp “bêu tên”, công khai thông tin người nợ thuế sẽ tiếp tục được áp dụng với các trường hợp đã thực hiện cưỡng chế định kỳ hằng tháng.
Phát biểu của đại diện Cục Thuế TP.HCM được đưa ra một ngày sau khi Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sabeco có văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) để thông tin về việc công ty vừa bị Cục Thuế TP.HCM cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Tại văn bản này, Tổng giám đốc Sabeco cho rằng, quan điểm của công ty này luôn rõ ràng và nhất quán từ năm 2015 khi Kiểm toán Nhà nước ban hành kết luận kiểm toán trong đó Sabeco không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Sabeco cũng luôn thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM trong những năm qua về vấn đề này.
Lãnh đạo Sabeco cũng cho biết, Sabeco đã tham vấn ý kiến với các đơn vị tư vấn pháp lý độc lập và thấy có căn cứ để cho rằng "Cục Thuế TP.HCM thực hiện việc cưỡng chế nói trên đã vi phạm pháp luật (cưỡng chế thi hành khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực), mâu thuẫn với chính hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế và Cục Thuế TP.HCM cho vấn đề này".
Cũng theo lãnh đạo Sabeco, trong khi chưa có kết luận của Thủ tướng và chưa có bất kỳ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp, Sabeco không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế TP.HCM và buộc phải thực hiện các hành động pháp lý cần thiết ngay lập tức để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Ngày 28/12, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt chậm trả là hơn 3.140 tỷ đồng. Số tiền này đã được cưỡng chế từ tài khoản của công ty tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh 4, được trích nộp vào ngân sách nhà nước ngay trong ngày 28/12.
Quyết định nêu rõ lý do Sabeco bị cưỡng chế thuế là bởi không chấp hành thông báo tiền chậm nộp thuế, phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo (hôm 24/12) về số tiền chậm nộp thuế, phạt vi phạm hành chính về thuế.
Theo Cục Thuế TP.HCM, số tiền cưỡng chế gồm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của công ty này, trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 2.645 tỷ đồng, còn tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỷ đồng.
Theo Minh Thái/Đất Việt