Cựu Phó GĐ CN TPBank Hoài Thương: “Đàn bà đẹp luôn có quà”... hư thì bóc lịch?

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi bị Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, cựu PGĐ chi nhánh TPBank Nguyễn Hoài Thương từng chia sẻ rằng: “Đàn bà đẹp luôn có quà”…

"Tuyên ngôn" sắc đẹp của cựu PGĐ chi nhánh TPBank Hoài Thương trước khi xộ khám
Thông tin, Công an TP Hà Nội mới đây đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015) đang gây xôn xao dư luận.
Bà Nguyễn Hoài Thương từng giữ chức vụ Phó Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), chi nhánh Phạm Hùng.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài công tác tại Ngân hàng, bà Hoài Thương từng là Tổng Giám đốc của Viện thẩm mỹ Bonita thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bonita.
Trong bài phỏng vấn với một số cơ quan truyền thông hồi năm 2018 với vai trò Tổng Giám đốc của Viện thẩm mỹ Bonita, bà Hoài Thương từng chia sẻ câu nói khá nổi tiếng rằng: “Đàn bà đẹp luôn có quà” như một minh chứng rằng phụ nữ có nhan sắc sẽ dễ hạnh phúc hơn, thành công hơn trong cuộc sống. Đẹp là có quyền nhưng không có nghĩa bạn có quyền thiếu hiểu biết”.
Bà Thương còn chia sẻ thêm về nhan sắc rằng: “Sắc đẹp chỉ là điều kiện cần, là điểm cộng cho những cuộc đàm phán thành công, gây ấn tượng với đối tác, khách hàng chứ không thể là điều kiện đủ để phụ nữ đạt được thành công trong cuộc sống và tạo dựng sự nghiệp kinh doanh vững chắc”.
Cuu Pho GD CN TPBank Hoai Thuong: “Dan ba dep luon co qua”... hu thi boc lich?
 Bà Nguyễn Hoài Thương phát biểu tại buổi khai trương Viện thẩm mỹ Bonita với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ doanh nghiệp này.
Tuy nhiên chỉ nửa năm đi vào hoạt động, tháng 5/2019, Viện thẩm mỹ Bonita bị tố cáo ngang nhiên quảng cáo dịch vụ làm đẹp có xuất xứ từ động vật khi chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp phép.
Đến ngày 21/6/2019, bà Nguyễn Hoài Thương không còn là Tổng Giám đốc của Bonita nữa. Bà Nguyễn Vân Anh (sinh ngày 24/4/1988) đã thay bà Thương là chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Địa chỉ mới đăng ký của doanh nghiệp này hiện ở số 5 lô 1A, khu đô thị Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Trước đó là tại số 10 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.
Khi vụ việc kinh doanh dịch vụ không phép tại Viện thẩm mỹ Bonita chưa đi đến hồi kết, thì bà Nguyễn Hoài Thương tiếp tục bị Ngân hàng TPBank tố giác có hành vi lợi dụng chức vụ là Phó Giám đốc Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Phạm Hùng chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm thủ tục để Thương phê duyệt, tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng. Thương đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của TPBank.
Cuu Pho GD CN TPBank Hoai Thuong: “Dan ba dep luon co qua”... hu thi boc lich?-Hinh-2
Bà Nguyễn Hoài Thương bị khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015).
Ngoài việc khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội cũng ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hoài Thương trong thời hạn 4 tháng để tiến hành điều tra về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn.
Theo Công ty luật TNHH Minh Khuê, tại Điều 355, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bảo mật tiền gửi Ngân hàng như thế nào cho an toàn?
Liên quan đến vấn sự việc, trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Lawfirm (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: "Ở trường hợp này, người gửi tiền không nên tham gia vào vụ án hình sự liên quan đến cán bộ Ngân hàng có hành vi làm thất thoát, chiếm đoạt tiền. Bởi lẽ, những vụ việc như vậy thường là những hành vi có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. hoặc “Tham ô tài sản”.
Nạn nhân ở đây là Ngân hàng TPBank, người gửi tiền "nằm ngoài" vòng xoáy tố tụng này bởi người gửi tiền có quan hệ với Ngân hàng trong một quan hệ pháp luật khác. Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và người gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu Ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình".
Cuu Pho GD CN TPBank Hoai Thuong: “Dan ba dep luon co qua”... hu thi boc lich?-Hinh-3
 Luật sư Trương Anh Tú.
Theo luật sư Trương Anh Tú, để hạn chế tối đa rủi ro khi gửi tiền, người gửi tiền cần tuân thủ những nguyên tắc bảo mật: "Khi gửi tiền vào ngân hàng, chúng ta cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tuân thủ quy trình giao dịch với ngân hàng. Không ký khống bất cứ giấy tờ gì kể cả khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu. Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác.
Ngoài ra, việc truy cập các đường link, email lạ cũng tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền bị đánh cắp các thông tin, có khả năng dẫn đến việc bị thất thoát tài sản. Khi phát hiện thất thoát tài sản cần lập tức liên hệ với ngân hàng".
Khánh Hoài