Thống đốc cho biết các địa phương cấp phép xây dựng các dự án nhà ở xã hội đã được các tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay. Đến nay, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Argibank) bắt đầu cho vay trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Trong đó, BIDV là ngân hàng đầu tiên ký hợp đồng tín dụng tài trợ dự án nhà ở xã hội theo chương trình 120 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, BIDV sẽ tài trợ 99 tỷ đồng cho dự án Khu nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02 (thuộc Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, TP Việt Trì, Phú Thọ), bao gồm cấp tín dụng 95 tỷ đồng và cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai 4 tỷ đồng.
Số liệu cập nhật đến ngày 27/6 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, phản ánh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy vậy, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản sẽ là một trong những giải pháp để thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực bất động sản bởi tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư, dẫn đến tín dụng còn thấp.
Theo Bộ Xây dựng, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công xây dựng với tổng số khoảng 18.768 căn, gồm 6 dự án nhà ở xã hội quy mô 7.730 căn tại Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng và 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 11.038 căn tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.
Ngoài ra, số liệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thấy cả nước đã giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng được thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Gói tín dụng huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, hướng đến đối tượng, mục đích là cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay với lãi suất ưu đãi, giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại. Thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này vẫn còn nhiều vướng mắc từ việc bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội…
Để tăng tiếp cận tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV đề xuất không nên quy định cứng nhắc về thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội tối thiểu; thêm vào đó là bổ sung quy định về quy chuẩn diện tích và giá bán (áp dụng giá trần); luật hóa các nội dung quan trọng trong các nghị quyết, đề án về phát triển nhà ở xã hội, nhất quán trong các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...
Theo Lê Phương/TTXVN