Nuôi cá lóc thương phẩm
Trước đây, kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Tiền gặp khó khăn do ít đất sản xuất. Đến năm 2014, anh Tiền và một số bà con trong xóm được chính quyền địa phương tạo điều kiện tham gia lớp học hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể bạt
Những kiến thức mới được tiếp cận đã tạo tiền đề giúp anh Tiền phát triển mô hình nuôi cá lóc tại địa phương.
Anh Tiền cho biết: “Thông qua lớp học, tôi biết cách làm bể bạt diện tích đủ khoảng cách, thông thoáng. Đồng thời, giúp trang bị kiến thức trong việc lựa chọn thức ăn, chọn con giống tốt. Những kiến thức từ lớp học, tôi đã áp dụng rất thành công…
Từ đó, mạnh dạn đầu tư xây thêm bể để nuôi. Đồng thời, chủ động mua thêm cá giống, tận dụng diện tích vườn tạp gần nhà để cải tạo xây bể bạt để phát triển nuôi cá” - anh Tiền chia sẻ.
Nuôi cá trong bể bạt có nhiều ưu điểm so với cách nuôi truyền thống. Anh Tiền cho biết, nhờ được thay nước mỗi ngày, nên môi trường nuôi được đảm bảo sạch, cá ít bệnh.
|
Cơ sở sản xuất khô vsd lóc Kim Loan, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Các hộ nuôi cá lóc ở xã Long Kiến có thêm thu nhập nhờ mô hình khép kín. |
Ngoài ra, nhờ nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên hạn chế được mùi hôi, chủ động được thức ăn hơn so với cho cá ăn thức ăn tự nhiên. Mặt khác, cá nuôi trong bể tăng trọng nhanh, khoảng 6 tháng có thể thu hoạch, trọng lượng mỗi con đạt từ 300 - 800gram.
Đến năm 2017, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Long Kiến, anh Tiền cùng một số hộ nuôi cá lóc trong ấp tập hợp, thành lập Chi hội cá lóc Long Bình.
Hiện nay, số lượng bể cá của Chi hội đã gần 50 bể. Trong đó chia làm 2 loại: Một loại nuôi cá lóc bán cho thương lái trong tỉnh, thời gian xuất bán 6 tháng/lần, lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/bể (50m2).
Loại thứ 2 nuôi cá bán cho thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, 9 tháng xuất bán 1 lần, lợi nhuận mang lại khoảng 45 triệu đồng/bể.
Phát triển các sản phẩm khô cá lóc
Với đà phát triển của nghề nuôi cá lóc, năm 2016 ngoài việc bán cá lóc thương phẩm, gia đình anh Tiền còn tận dụng nguồn cá lóc đảm bảo chất lượng của mình để làm khô cá cung cấp cho thị trường nội địa.
Đây cũng là một bước ngoặt rất quan trọng trong quá trình phát triển của nhãn hiệu khô cá lóc Kim Loan đến ngày nay đã đạt chuẩn “sản phẩm OCOP 3 sao”.
Chia sẻ về quá trình phát triển sản phẩm khô cá lóc, anh Tiền cho biết, năm 2015, thị trường cá lóc gặp rất nhiều khó khăn, giá cá thương phẩm xuống thấp, nông dân thường xuyên bị thương lái chèn ép về đầu ra.
Từ thực trạng trên, gia đình anh Tiền trăn trở tìm lối đi mới. Sau thời gian suy nghĩ, anh Tiền quyết định làm khô cá lóc để bán ra thị trường, thay vì chỉ nuôi cá như trước đây.
“Gia đình tôi mua khô cá lóc từ nhiều cơ sở uy tín ở địa phương để sử dụng thử. Từ đó, nghiên cứu công thức làm khô cá lóc theo gia đình” - anh Tiền chia sẻ thêm.
|
Khô cá lóc Kim Loan, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đang được thị trường đón nhận. |
Những sản phẩm đầu tiên ra đời, gia đình anh Tiền tặng bạn bè và người thân dùng thử. Nhận được đánh giá tích cực, cũng như những góp ý chân thành để hoàn thiện sản phẩm, cuối cùng anh Tiền quyết định thành lập cơ sở khô cá lóc Kim Loan.
Sản phẩm đồng thời được đưa kiểm nghiệm, đăng ký đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp mã QR, đăng ký sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Những nỗ lực của gia đình anh Tiền đã thu về “quả ngọt”, sản phẩm khô cá lóc với thương hiệu Kim Loan đã “phủ sóng” ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh An Giang.
Các loại khô cá lóc do cơ sở sản xuất được người tiêu dùng đón nhận như: Khô cá lóc nguyên con, khô cá lóc cắt sợi, khô má cá lóc, khô lưỡi cá lóc… giá dao động từ 150.000-350.000 đồng/kg tùy loại.
Từ việc sản xuất khô cá lóc các loại đã giúp gia đình anh Tiền thu về lợi nhuận gần 800 triệu đồng/năm.
Nhờ mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt và sản xuất khô mà cuộc sống gia đình anh Tiền được cải thiện. Nhà cửa được sửa sang, mua phương tiện đi lại, chi phí đầu tư cho con đi học, tích cực đóng góp tiền làm phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, gia đình anh Tiền còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương, với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng. Công việc không đòi hỏi thời gian cố định, nên người lao động có thể chủ động quán xuyến việc nhà.
“Hiện nay ở ấp mình còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự hỗ trợ vốn. Chỉ cần nuôi được 1 hoặc 2 bể nuôi cá lóc, sau 1 năm sẽ thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Nuôi cá lóc rồi làm khô cá lóc bán là mô hình thoát nghèo rất hiệu quả, thu lợi nhuận cao, cần được nhân rộng để phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, mô hình góp phần giảm nghèo bền vững”- anh Tiền chia sẻ.
Theo Đức Toàn/ Báo An Giang