Ngày 26/9, theo thông tin từ TAND TP.HCM cho biết, cơ quan này đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Công Danh về vụ đại án 9000 tỷ.
Theo đó, ông Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và xem xét lại tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
|
Phạm Công Danh xin giảm nhẹ hình phạt |
Cựu Chủ tịch VNCB cho rằng, trong hành vi vi phạm quy định về cho vay, ông không chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội, việc ông giải ngân cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh vay thực tế không có thiệt hại.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Danh lặp lại quan điểm đề nghị cấp phúc thẩm định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự đối với khu đất tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng).
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm cựu lãnh đạo VNCB cũng đã đề nghị HĐXX xem xét, xin cơ chế mới. Sau đó, tòa đã cho phép ông Danh được gặp vợ và em trai tại tòa để bàn bạc về vấn đề tài sản, hướng tìm đối tác mua lại những lô đất này với giá cao hơn.
Về số tiền đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) để mua lại cổ phần của Trustbank - Ngân hàng Đại Tín, ông Danh đề nghị thu hồi hơn 3.600 tỷ đồng chứ không chỉ gần 200 tỷ đồng tiền tang vật như bản án sơ thẩm đã tuyên.
|
Phạm Công Danh tại tòa. |
Trước đó, ngày 9/9 vừa qua, sau gần 2 tháng xét xử, phiên tòa xét xử "đại án" gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB tạm khép lại với bản án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh). Trước khi xảy ra vụ án ở VNCB, ông Danh được dư luận biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - một tập đoàn đang sở hữu hàng loạt dự án bất động sản có quy mô lớn. Tập đoàn này đi lên từ ngành vật liệu xây dựng, có tiền thân là Hãng gạch Hương Sen tại Quảng Ngãi.
Hơn 5 năm trước, ông Danh từng gửi đơn lên Bộ Xây dựng xin phép thành lập một ngân hàng chuyên về xây dựng nhưng chưa được chấp thuận. Năm 2012, do kinh doanh thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị âm gần 2.855 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 6.062 tỷ đồng nên Ngân hàng Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) phải tái cơ cấu. Phạm Công Danh đã đứng ra điều hành, tái cơ cấu ngân hàng này với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 2013, Trustbank chính thức đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Đây cũng là con đường dẫn ông Danh đến vòng lao lý.
Trong 18 tháng điều hành, Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm bị cáo buộc đã "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", gây thiệt hại của VNCB tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng. Đây là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng Việt Nam về số tiền thiệt hại trong vụ án.
Liên quan đến vụ án, ngoài ông Danh, một số bị cáo khác cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc kháng cáo kêu oan.
Theo Việt Nam Net