Ít ai biết rằng trước đây, bà Diệp cũng từng 2 lần bị giam với cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" rồi được trắng án vì cơ quan điều tra không đủ chứng cứ buộc tội.
Từng là một công chức nghèo
Nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống học tập tại Hải Phòng.
|
Cuộc đời nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp có nhiều thay đổi bất ngờ. |
Năm 1971, bà Diệp tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp là vị trí công chức tiền lương tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng.
Năm 1975, bà Diệp cùng gia đình chuyển vào sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó lại chuyển lên TPHCM công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu, trực thuộc Bộ Ngoại thương (thời đó).
Trải qua nhiều năm làm công chức, nhưng cuộc sống của bà vẫn luôn khó khăn do đồng lương thấp. Năm 1984, bà Diệp đi đến quyết định xin nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh.
Thành doanh nhân và được xem là "Bông hồng vàng"
Năm 1984, bà Dương Thị Bạch Diệp bắt đầu dấn thân vào việc mua bán bất động sản. Ban đầu, bà đi mua căn nhà hoặc chung cư cũ, rồi cải tạo và bán với giá cao hơn. Thành công lớn cho việc mua bán này chính là mua bán căn chung cư trên đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1(TPHCM).
Từ đấy bà tiếp tục mua nhiều căn chung cư cũ khác, rồi sửa sang bán lại và có được tích lũy tiền lời khá lớn. Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà Diệp bắt đầu lấn sang những sản phẩm bất động sản cao cấp hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, chung cư cao cấp,…
Từ lúc khởi nghiệp kinh doanh năm 1984 đến nay, bà Diệp đã có 35 năm kinh doanh. Khối bất động sản tại các công ty bà nắm giữ lên đến hàng chục nghìn m2 nằm ở các vị trí đắc địa ngay trung tâm Sài Gòn.
Điều này, đã làm nhiều đại gia bất động sản phải ngã mũ khâm phục và xem bà là một "Bông hồng vàng" một thời của giới doanh nhân nữ.
Vướng nợ xấu ngân hàng, nợ thuế và phá sản
Tháng 10.2008, bà Diệp ký hợp đồng vay của ngân hàng 14.000 lượng vàng SJC để mua căn nhà 57 Cao Thắng, quận 3.
Tiếp sau đó, bà Diệp vay thêm 67.000 lượng vàng SJC thông qua 3 hợp đồng tín dụng từ tháng 12.2008 đến tháng 1.2009, nhưng cả 3 hợp đồng đều không trả nợ đúng hạn.
Toàn bộ dư nợ gốc còn lại hơn 66.600 lượng vàng chưa trả, được bà Diệp và ngân hàng thống nhất chuyển đổi sang tiền Việt Nam trị giá gần 3.000 tỉ đồng. Đến nay, khoản nợ vẫn chưa được giải quyết và phải chuyển sang nợ xấu.
Bà Diệp là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chỉ còn lại 2 đơn vị là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Công ty TNHH Nam Nam Phương. Các doanh nghiệp của bà Diệp hiện nợ thuế hơn 35 tỉ đồng, cơ quan thuế đã nhiều lần thông báo nhưng vẫn chưa nộp.
|
Bà Diệp tại cơ quan điều tra. |
Con đường tù tội của đại gia siêu xe Rolls-Royce Phantom
Trong chặng đường kinh doanh hơn 3 thập kỷ qua, nữ doanh nhân gốc Bình Định không ít lần vướng vào lao lý. Bà Diệp từng 2 lần bị giam với cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vào năm 1982 và 1994 bà Diệp đều bị giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, cả 2 lần đó bà sớm được tại ngoại vì cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ để có thể buộc tội bà.
Mới đây nhất, ngày 25.1, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bà Diệp bị bắt còn kéo theo 5 nguyên cán bộ của TPHCM (trong đó có ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) bị bắt cùng. Tất cả đều liên quan đến việc hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM.
Theo Lao Động