Ruộng đất bao la
Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ (1841-1900), sinh tại Cầu Kho (Sài Gòn) nhưng gốc ở Tân An (Long An) trong một gia đình theo đạo Công giáo.
Thuở nhỏ, Huyện Sỹ được các tu sĩ người Pháp đưa sang Malaysia học tập. Trong thời gian này, Lê Nhứt Sỹ đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ trùng với tên một người thầy của ông. Trở về Sài Gòn, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi trở thành Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.
Sau đó không lâu, ông được phong hàm lên cấp huyện. Dù đã đổi tên nhưng người dân vẫn quen gọi ông là Nhất Sỹ. Danh xưng Huyện Sỹ gắn bó với ông từ đó.
Huyện Sỹ giàu lên không phải nhờ chức tước, bổng lộc. Trong sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng, Huyện Sỹ giàu lên là nhờ việc gom tiền mua rẻ những thửa đất có địa thế tốt do chính quyền Pháp phát mãi.
Sau khi mua lại, ông Huyện Sỹ trồng lúa trên mảnh đất này. Lúa trúng mùa, Huyện Sỹ thu về lượng lớn thóc gạo. Thấy đầu tư có lãi lớn, ông tiếp tục vay mượn tiền mua đất khắp các vùng thuộc tỉnh Long An ngày nay.
Có ruộng đất, ông thuê người canh tác, trồng lúa. Lúa liên tiếp trúng mùa, ông Huyện Sỹ giàu lên nhanh chóng và tiếp tục có tiền để mua thêm điền sản ở nhiều nơi.
Thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ sở hữu toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.
|
Tượng ông Huyện Sỹ tại nhà thờ Huyện Sỹ. Ảnh: Dân Việt |
Hồi đó, dân gian thường có câu "cò bay mỏi cánh cũng không hết đất của ông Huyện Sỹ". Gia đình Huyện Sỹ giàu có đến mức xuất hiện giai thoại ông có một kho tiền bí mật. Để đảm bảo tiền không mốc, hỏng, ông thuê một nhóm người bảo quản, đem tiền ra phơi nắng rồi cất lại vào kho.
Giàu có hơn vua Bảo Đại
Không chỉ sở hữu ruộng đất bao la khắp các tỉnh miền Tây, ông Huyện Sỹ còn mua đất ngoại thành Sài Gòn, nhất là ở khu vực quận Gò Vấp ngày nay để làm kho xưởng, nhà máy rồi cho người khác thuê lại.
Tại đây, ông Huyện Sỹ xây dựng hàng nghìn căn nhà cho thuê. Các giai thoại đều khẳng định, đất đai của Huyện Sỹ bao trùm một vùng rộng lớn của Sài Gòn, kéo dài từ ngoại thành đến các quận 1, Tân Bình, Gò Vấp.
Người xưa còn truyền tai giai thoại gia tộc Huyện Sỹ giàu có hơn cả vua Bảo Đại. Thông tin này xuất hiện khi cháu ngoại ông, bà Nguyễn Hữu Thị Lan kết hôn với vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn.
Khi bà Nguyễn Hữu Thị Lan ra Huế tổ chức hôn lễ với vua Bảo Đại, ông Lê Phát An, con trai của Huyện Sỹ đã tặng cô cháu gái của mình 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn.
|
Nhà thờ Huyện Sỹ. Ảnh: Vietnamnet |
Thời bấy giờ, giá vàng chỉ 50 đồng/lượng. Nếu quy đổi, 1 triệu đồng lúc đó tương đương 20.000 lượng vàng. Từ món quà hồi môn này, dân gian đồn thổi tài sản của gia tộc Huyện Sỹ còn giàu có hơn nhiều so với vua Bảo Đại.
Thậm chí, có thông tin cho rằng, lúc còn làm vua, Bảo Đại luôn bị cho là tiêu tiền của nhà vợ.
Hoàng Minh (tổng hợp)