Mới chỉ vào cuối năm 2019, tạp chí Forbes đã đưa ra danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, và Jack Ma luôn là cái tên đứng đầu. Khi đó, Zeng Yuqun còn “vô danh”, rất ít người biết đến ông và vị trí mà Forbes trao cho Zeng Yuqun chỉ khiêm tốn ở bậc thứ 19 trong danh sách. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau đó, tháng 5 năm 2021, Forbes cho biết Zeng Yuqun đã trở thành người giàu nhất ở Hồng Kông với giá trị tài sản ròng theo thời gian thực là 34,5 tỷ USD vào thời điểm đó.
Và rồi vào năm 2020, một lần nữa theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, Zeng Yuqun đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng lên 49,5 tỷ USD khi cổ phiếu của công ty ông, Contemporary Amperex Technology (CATL), tăng mạnh. Điều này có nghĩa là ông đã vượt qua giá trị ròng 48,1 tỷ USD của Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba. Ngoài ra, khối tài sản 49,5 tỷ USD cũng lần đầu tiên đưa Zeng Yuqun vào danh sách Top 5 người giàu nhất châu Á.
Chân dung vị tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Đằng sau ánh hào quang rực rỡ ấy, ít ai biết được rằng, Zeng Yuqun từng có xuất thân nghèo khó, làm công nhân viên chức với mức lương 680 nghìn đồng/tháng để mưu sinh.
Từ con trai nhà nông nghèo đến công chức lương 680 nghìn đồng/tháng
Ông Zeng Yuqun sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường tại ngôi làng vùng núi ở Ninh Đức (Phúc Kiến, Trung Quốc) - nơi đây nghèo tới mức là một trong những khu vực có GDP nằm trong nhóm thấp nhất toàn tỉnh. Thời thơ ấu, do cha không có tiền cho con trai đi học, mỗi lần đối mặt với câu hỏi về việc “sẽ tiếp tục đi học hay ở nhà làm nông”, cậu bé Zeng Yuqun đều trả lời chắc nịch: “Con nhất định phải tới trường”.
Năm 1985, cậu học trò nghèo hiếu học nhờ vào việc học hành chăm chỉ đã trở thành thủ khoa ngành Kỹ thuật Hàng hải của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải. Không lâu sau, Zeng Yuqun tốt nghiệp và vào làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước, mức lương được trả chỉ 30 USD/tháng (khoảng 680 nghìn đồng/tháng). Môi trường này không có cơ hội để Zeng Yuqun bộc lộ hết khả năng của mình và ông đã quyết định từ bỏ vị trí công chức nhà nước chỉ sau 3 tháng làm việc.
Từ công chức lương 680.000 đồng/tháng tới tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Thời điểm ấy, ông đã đầu quân cho một công ty Nhật Bản chuyên sản xuất đầu đĩa cứng, trực thuộc Công ty TNHH Tokyo Denki Kogyo (TDK). Khởi đầu là một kỹ thuật viên, sau 10 năm, ở tuổi 31, ông trở thành giám đốc kỹ thuật trẻ nhất của công ty cho đến giai đoạn bấy giờ. Được trọng dụng tại công ty mới nhưng Zeng Yuqun luôn muốn tìm hướng đi riêng cho cuộc đời mình, thay vì “làm công ăn lương” như bao nhiêu nhân viên khác.
Bước ngoặt kỳ diệu từ… cục pin
Năm 1999, Zeng Yuqun sớm nhìn ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình bằng việc dấn thân vào ngành công nghiệp pin. Năm 1999, ông khởi nghiệp với hãng sản xuất pin lithium-ion có tên Amperex Technology Limited (ATL). Đây là một công ty công nghệ năng lượng mới, chuyên sản xuất pin có thể sạc lại cho các thiết bị điện tử tiêu dùng như điện thoại, laptop và là nhà cung cấp pin cho iPod, iPad, Macbook của Apple. Cùng thời điểm này, Zeng Yuqun quyết định tiếp tục học lên thạc sĩ và tiến sĩ ngành Vật lý Vật chất cô đặc tại Viện Khoa học Trung Quốc để nghiên cứu sâu hơn về pin. Tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ của ông khi ấy được giới điệu mộ rất coi trọng.
Chỉ vài năm sau khi sản xuất pin điện thoại, doanh nghiệp của Zeng Yuqun phát triển rất nhanh chóng và có chỗ đứng trên thị trường sản xuất năng lượng lúc bấy giờ. Vì thế, năm 2011, ông quyết định tách bộ phận năng lượng ô tô của ATL trở lại Ninh Đức – quê hương của ông, chính thức xây dựng Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng mới Ningde Times (CATL) với trọng tâm chính là phát triển pin và hệ thống quản lý pin, cũng như phát triển các công nghệ năng lượng mới. Quê hương của vị tỷ phú này giờ đây đã hoàn toàn thoát khỏi “cái bóng” của sự đói nghèo.
Trụ sở CATL.
Cái bắt tay triệu đô với Elon Musk
Zeng Yuqun mới được nhiều người biết đến vào năm 2019, khi CATL đã ký được thỏa thuận hợp tác, trở thành nhà cung cấp chính về pin xe điện cho Tesla của Elon Musk. Zeng dự kiến sẽ cung cấp cho Tesla pin lithium-iron-phosphate (LFP) sử dụng hỗn hợp nguyên liệu rẻ hơn và chi phí sản xuất ít hơn khoảng 20% so với các loại pin thông thường khác, theo BloombergNEF. Đây được xem là chìa khóa để Tesla có thể giảm giá bán lẻ nhằm thu hút người mua trong một thị trường đang ưa chuộng các loại phương tiện chạy điện.
Tesla phát triển vượt bậc đưa Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới, cùng lúc đó sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện năng lượng mới trong hai năm qua và nhu cầu đối với pin năng lượng đã khiến giá cổ phiếu của CATL đã tăng vọt. Cổ phiếu của CATL đã tăng hơn 20 lần kể từ khi công ty niêm yết cổ phiếu tại Thâm Quyến vào năm 2018. Chỉ riêng trong năm nay, cổ phiếu CATL đã tăng 59% khi nhu cầu về xe điện tăng, nhiều quốc gia nỗ lực giảm lượng khí thải carbon.
CATL có thu nhập ước tính hơn 100 lần, so với khoảng 13 lần của đối thủ cạnh tranh Panasonic Corp. Ngoài Tesla, BMW AG và Volkswagen AG cũng là một trong số các khách hàng của CATL. Trong hơn 2 năm qua, vị thế của Zeng Yuqun dần được nâng cao, từ người giàu nhất Hồng Kông đến người giàu nhất Trung Quốc, vượt qua cả Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba.
Zeng Yuqun được xem là mang tính biểu tượng trong sự trỗi dậy của các “tỷ phú xanh” ở Trung Quốc. Hao Gao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh Gia đình Toàn cầu NIFR của Đại học Tsinghua, cho rằng bảng xếp hạng tỷ phú từng được thống trị bởi các ông trùm bất động sản đến công nghệ, và giờ đây là lĩnh vực năng lượng mới. Các nhà đầu tư đã đẩy mạnh cổ phiếu như CATL trong bối cảnh quốc gia này dẫn đầu thị trường xe điện và theo đuổi tham vọng đạt độ trung hòa carbon vào năm 2060.
Theo báo cáo của SNE Research, 5 tháng đầu năm 2021, doanh số bán pin xe điện trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong đó CATL chiếm thị phần lớn nhất với 31,2%. BloombergNEF dự báo doanh số của công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng, được hưởng lợi từ quy mô kinh tế, chuỗi cung ứng cạnh tranh về chi phí và nguồn khách hàng ổn định.
Theo Chi Phan/Dân Việt