Các nhà vườn, chủ cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng để chưng, biếu, tặng dịp Tết Nguyên đán cho biết đến thời điểm này người tiêu dùng đã đặt mua rất nhiều các mặt hàng độc, lạ. Thậm chí không ít mặt hàng Tết làm ra đến đâu được khách đặt mua đến đó, làm không kịp để cung cấp.
Đặc sản tứ phương đổ về
Vừa chuẩn bị hàng mẫu để trưng bày, anh Nguyễn Đăng, chủ cửa hàng bán các loại trái cây tạo hình dịp Tết trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM, vừa niềm nở khoe: “Tôi đã chuẩn bị sẵn khoảng 500 cặp bưởi hồ lô, 200-300 cặp dưa hấu vuông và dưa hấu thỏi vàng để bán mùa Tết. Để giữ chân khách, cửa hàng của tôi quyết định không tăng giá bán những mặt hàng trên so với mùa Tết năm ngoái”.
Hiện nay giá bưởi hồ lô loại một 1,5 triệu đồng/cặp, loại hai 1,2 triệu đồng/cặp. Bưởi loại một đắt hơn loại hai do có kích thước lớn hơn, nặng hơn. Giá dưa hấu thỏi vàng dao động 2,5-3,5 triệu đồng/cặp vì việc tạo hình loại trái cây này khó hơn, tỉ lệ tạo hình thành công cũng thấp hơn so với bưởi hồ lô.
|
Ảnh minh họa. |
“Vua” bưởi hồ lô Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang, cho biết thêm năm nay năng suất bưởi tạo hình tại các nhà vườn giảm khoảng 40% so với mọi năm vì thời tiết thất thường. Tuy nhiên, căn cứ vào số lượng khuôn cung cấp cho các nhà vườn ở nhiều địa phương, ông Thành ước tính trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 có hơn 6.000 trái bưởi tạo hình được cung cấp cho thị trường.
Ngoài những sản phẩm độc đáo được làm từ trái bưởi như bưởi hồ lô có chữ Tài-Lộc, bưởi thỏi vàng hình đồng tiền, bưởi hồ lô thư pháp…, số lượng trái đào tiên hình thỏi vàng có chữ Tài-Lộc cũng được bán ra thị trường nhiều hơn mọi năm vì tỉ lệ tạo hình thành công năm nay đạt trên 70%.
“Tất cả trái cây tạo hình đều được các đại lý, cửa hàng tại TP.HCM và các tỉnh, thành đặt mua hết. Các nhà vườn giờ chỉ lo làm sao để trái cây tạo hình đạt chất lượng, hình thức đẹp nhất cho khách chứ không phải lo làm ra bán không được” - ông Thành chia sẻ.
Hạt bàng Côn Đảo rang muối, rang đường cũng đang hút hàng. Sản phẩm này cạnh tranh với hạt dưa, hạt bí, hướng dương... Chủ một cơ sở kinh doanh đặc sản hạt bàng tại TP.HCM cho biết Tết mọi năm chỉ có đơn đặt hàng từ TP.HCM và Hà Nội nhưng năm nay còn nhận một lượng đơn hàng khá lớn từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai.
“Mứt hạt bàng làm từ nguyên liệu hạt trái bàng tự nhiên, rang kiểu truyền thống với giá bán 400.000 đồng/kg, giá rẻ hơn so với mọi năm 50.000-100.000 đồng/kg. Mùa Tết năm nay chúng tôi bán được số lượng nhiều hơn nên quyết định hạ giá để hút khách” - đại diện chủ cơ sở trên cho hay.
Nhiều đặc sản vùng, miền khác cũng đắt khách không kém. Đại diện cửa hàng kinh doanh thực phẩm đặc sản Hà Nội ở quận 1, TP.HCM cho hay các đơn hàng thịt trâu gác bếp Tây Bắc, măng lưỡi lợn Tuyên Quang, tôm chua Huế… được rất nhiều người tìm mua. Giá thị trường trâu gác bếp rất cao 850.000-1,2 triệu đồng/kg nhưng không đủ hàng để cung cấp.
Anh Nguyễn Thành, chuyên bán đặc sản rươi Hải Phòng tại TP.HCM, cho hay chả rươi có giá lên đến 1 triệu đồng/kg, nem rươi 25.000 đồng/cái, mắm rươi 350.000-500.000 đồng/lít tùy loại, rươi kho nồi đất 450.000 đồng/nồi… Giá những mặt hàng này khá đắt nhưng hút khách sành ăn.
Heo trà xanh, muối Hymalaya… lên mâm cỗ Tết
Không chỉ thích hàng độc, lạ mà hiện nay người tiêu dùng ngày càng chú ý đến chất lượng của các mặt hàng. Chính vì vậy những sản phẩm hữu cơ, tốt cho sức khỏe đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người.
Chị Phạm Phương Thảo, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, chia sẻ: Năm nay giỏ quà Tết có thông điệp “Tết an lành, Tết mạnh khỏe” với nhiều mặt hàng trong nước lẫn ngoại nhập được khách hàng quan tâm nhiều nhất. Đáng chú ý, hai sản phẩm lạ có trong giỏ quà Tết là muối hồng khai thác từ dãy núi cao nhất thế giới Hymalaya được nhập từ Pakistan và mật ong hoa oải hương hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu.
Theo chị Thảo, muối Hymalaya không những được bảo tồn trong môi trường nguyên sơ bao phủ bởi băng đá mà dung nham còn bảo vệ muối khỏi bị ô nhiễm. Đó là lý do tại sao muối hồng Hymalaya có giá bán tại Việt Nam lên tới 180.000 đồng/kg. Mật ong hoa oải hương được thu hoạch từ vùng bảo tồn Công viên quốc gia Sierra de Gredos, Tây Ban Nha, cách mặt nước biển 1.700-2.190 m có giá bán lên đến 550.000 đồng/hũ loại 450 g.
Nhiều người Việt cũng thích các món ăn có nguồn gốc từ Campuchia và Lào. Trong đó nổi bật nhất là nhái khô, lạp xưởng bò, khô cá lóc, khô rắn, mắm bò hóc, khô tra phồng nhập từ Campuchia với giá 320.000-650.000 đồng/kg. Những mặt hàng này được người bán quảng cáo là sản vật của vùng Biển Hồ, Campuchia.
Thịt heo tắm trà xanh cũng là sản phẩm lạ đang được người Sài Gòn lùng đặt hàng. Anh Quốc Minh, chủ cửa hàng đặc sản Ba Miền tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết mỗi ký thịt heo trà xanh có giá gấp ba lần thịt heo thường, như thịt ba rọi gần 300.000 đồng/kg, thịt mông 270.000 đồng/kg.
“Heo tắm trà xanh được nuôi bởi một công ty có thương hiệu nhiều năm nay ở Hà Nội. Loại heo này được nuôi đặc biệt, cho ăn cám từ thức ăn được trồng theo hướng hữu cơ, trong thành phần thức ăn luôn có trà xanh ở nhiều dạng khác nhau phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng. Heo còn uống nước và được tắm bằng nước trà xanh giúp thịt mềm và ngon hơn, lượng mỡ trong thịt ít” - anh Minh nói.
Theo PLO