Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh tự phát của các sạp thịt vỉa hè dần lan rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ vỉa hè gần các khu chợ truyền thống đến các tuyến đường lớn rồi len lỏi cả vào tận các ngõ xóm, nơi có đông dân cư, nơi gần khu công nghiệp...
Theo quan sát của phóng viên, trên tuyến Quốc lộ 57 (đoạn qua huyện Chợ Lách, Mỏ Cảy Bắc, Bến Tre), những ngày qua xuất hiện nhiều điểm bán thịt lợn do người dân dựng tạm bên lề đường. Điều đáng chú ý là giá thịt lợn ghi trên bảng chỉ 100.000 đồng/4 kg, tức 25.000 đồng/kg, rẻ hơn rất nhiều so với giá thành chăn nuôi.
Một thương lái thu mua lợn hơi tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi mua lợn hơi trong dân giá 1,8 triệu đồng/tạ loại lợn trên 100 kg/con; khoảng 2 triệu đồng/tạ (loại dưới 100 kg/con) đem về tự mổ lợn ra bán. Bán trong chợ không hết nên đem ra lề đường bán với giá 100.000 đồng/4kg. Xương, đầu, gan… thì giá rẻ lắm, chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg”.
|
Người dân tranh thủ mua thịt lợn với giá rẻ bên lề đường. |
Tại Đồng Nai - "thủ phủ" chăn nuôi lợn của cả nước, tình hình tiêu thụ thịt lợn còn căng thẳng hơn. Tính tới ngày 10.6, số lượng lợn hơi còn tồn của tỉnh Đồng Nai đã giảm từ 300.000 con xuống còn khoảng 215.000 con.
Chỉ vào sạp thịt vẫn còn đầy dù đã gần trưa, chị T., chủ một sạp thịt lợn vỉa hè tại khu vực xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom - Đồng Nai) chia sẻ: “Sáng sớm, thịt ngon tôi còn bán được 100.000 đồng/3kg, giờ bán 100.000 đồng/4kg. Hàng càng ế, giá còn rẻ hơn mức này rất nhiều”.
Mỗi ngày, vợ chồng chị T. thường mổ khoảng 1 con lợn. Thứ bảy, chủ nhật, họ đưa thịt ra bán tại khu vực chợ Dốc Mơ (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), hoặc bán dọc tuyến đường ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Vợ chồng chị đi bán dạo vỉa hè đã được khoảng 2 tháng nay vì thương lái không thu mua lợn quá lứa. Cực chẳng đã họ mới phải tự giết mổ đi bán dạo.
Áp lực cạnh tranh giữa các sạp thịt vỉa hè cũng rất lớn. Chị T. cho biết: “Bây giờ nhà nhà mổ lợn đi bán. Chỉ tính riêng khu vực chợ Dốc Mơ vào sáng thứ bảy, chủ nhật đã có gần 20 chục sạp thịt do người nuôi tự đưa lợn giết mổ mang ra bán”.
Ông Nguyễn Văn Bạch, ngụ ấp Phước Trung (xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) cho biết thêm, gia đình ông chăn nuôi lợn suốt mấy chục năm qua nhưng chưa khi nào ông thấy giá lợn hơi giảm thảm khốc như năm nay. Theo đó, gia đình ông đang nuôi 10 con lợn nái, khi lợn nái đẻ lợn con, ông thường để lại nuôi theo quy trình khép kín nên trong chuồng lúc nào cũng có trên 100 con lợn/lứa. Tuy nhiên, mấy tháng nay lợn hơi chỉ còn trên dưới 2 triệu đồng/tạ nên bị thua lỗ nặng.
Ông Bạch cho biết: “Bây giờ giá lợn hơi dưới giá thành rất sâu nên người nuôi thua lỗ, ôm nợ chồng chất. Hiện tại, trung bình 1 con lợn nặng 100kg người nuôi lồ từ 1,4 - 1,6 triệu đồng nên không ai cầm cự được lâu, chắc trong thời gian tới sẽ “treo” chuồng hết”.
Chị Huỳnh Thị Thu, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, bộc bạch: “Lợn hơi loại dưới 1 tạ/con giờ giá chỉ 20.000 đồng/kg, còn từ 1 tạ/con trở lên thì 17.000- 18.000 đồng/kg, giá này người nuôi lỗ nặng nên nhiều hộ tự làm thịt mang ra lề đường bán để gỡ được chút nào hay chút đó. Tôi bán ở lề đường mà mỗi ngày cũng được 1-2 con”.
Trước tình hình giá lợn hơi vẫn đang tiếp tục giảm, người chăn nuôi ở ĐBSCL không dám tái đàn, lợn nái không dám phối giống sinh sản, nhiều chuồng trại tạm ngưng nuôi hoặc chỉ nuôi cầm chừng vì bà con đã cạn vốn. Về lâu dài, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo nông dân không tăng thêm số lượng đàn lợn, đồng thời chuyển dần từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn GAP... để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Theo Thiên Ngân/ Dân Việt