Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đánh thuế tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm không chỉ là tận thu thuế mà còn là đi ngược lại với lợi ích nền kinh tế.
Thuế chồng thuế
Đề xuất đánh thuế thu nhập từ lãi tiết kiệm (với những khoản lãi lớn, hàng trăm triệu đồng) vừa được Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 Luật Thuế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
|
Đánh thuế tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm là tận thu thuế. |
So với đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm trước đây (từng được Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đưa ra năm 2013), ý kiến lần này của ông Đức muốn tập trung vào những món tiền gửi lớn (có thể là tiền gửi tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, mua trái phiếu...) vốn mang về khoản thu nhập lãi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Theo ông Trương Thanh Đức, một khi lãi tiết kiệm lên tới tiền tỷ thì nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư tương tự đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Trao đổi với PV Báo Tin Tức về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Luật sư – Tiến sĩ (LS.TS) Bùi Quang Tín, Ceo Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng không khả thi vì không hợp lý.
Theo LS.TS Tín, bản chất của thuế là phân bổ lại thu nhập trong xã hội và tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thu nhập nào của người dân cũng thu thuế được, vì hầu hết tất cả thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế, không hình thức này cũng là hình thức khác.
Ví dụ, nếu làm công ăn lương, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính số dư sau 9 triệu. Cụ thể, nếu thu nhập 10 triệu đồng/tháng, mức thuế cá nhân sẽ phải đóng là số dư 1 triệu đồng, còn mức lương dưới 9 triệu không bị đánh thuế. Như vậy, số tiền tích cóp được sau khi hưởng lương để gửi tiết kiệm, nếu đánh thuế chẳng khác nào là thuế chồng thuế. Hoặc cho rằng tổng số tiền tích cóp từ 9 triệu không đóng thuế theo quy định của nhà nước, nay bị tính thuế thì chẳng khác nào vi phạm luật thu nhập cá nhân.
Trong trường hợp tiền có được từ bán tài sản, thu nhập đó cũng đã thuế điều chỉnh, hoàn toàn không được miễn thuế. Hay trường hợp mở doanh nghiệp, tất cả doanh thu của doanh nghiệp đó cũng bị đánh thuế.
“Chỉ với vài ví dụ trên cho thấy, tất cả các loại thu nhập cá nhân đến doanh nghiệp, tài sản cá nhân hay của doanh nghiệp đều đã được ngành thuế điều chỉnh và đánh thuế. Vì vậy, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm là thuế chồng thuế và quá tận thu”, LS.TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.
Đi ngược với lợi ích nền kinh tế
Chuyên gia chứng khoán Ths Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK MAybank – Kim Eng cũng cho rằng đề nghị đánh thuế trên không hợp lý và quá tận thu, nhất là hiện nay người dân đã và đang vẫn còn phản ứng mạnh về việc tăng thuế VAT.
|
Đánh thuế tiền gửi, tiền lãi tiết kiệm còn kéo theo hệ lụy lên lãi suất ngân hàng, gây áp lực cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. |
Trên thực tế, theo chuyên gia Khánh, tiền gửi tiết kiệm của người dân hiện nay là số tiền sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế. Vì thế, nếu đánh thuế tiền lãi tiết kiệm không chỉ thuế chồng thuế mà còn gây áp lực cho các ngân hàng. Bởi không để khách hàng thiệt, các ngân hàng có thể buộc phải nâng lãi suất huy động, điều này sẽ kéo theo tiền cho vay tăng theo, hệ lụy lại thuộc về phía doanh nghiệp nghiệp và gây áp lực đến nền kinh tế.
Đồng tình vấn đề này, LS.TS Tín cũng nhận định việc đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các hệ thống ngân hàng. Bởi tổng tài sản của các ngân hàng thương mại, phần lớn từ 80 -90% là từ nguồn huy động vốn. Theo đó, nếu đánh thuế tiền gửi, lãi tiết kiệm thì người dân chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… Do vậy, việc đánh thuế này sẽ có nguy cơ khiến nguồn tiền từ huy động vốn sẽ bị giảm đi.
Ngoài ra, không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng mà còn làm méo mó đi thị trường tài chính, gây khó khăn cho việc quản lý cho các cơ quan nhà nước. Điều đáng nói không chỉ khó quản lý về thuế mà nhiều ngân hàng sẽ tìm cách này hay cách khác để hỗ trợ người gửi tiền sao không bị đánh thuế.
Đứng ở góc độ pháp luật, LS Trần Viết Quân, Thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Theo luật thuế thu nhập cá nhân hiện nay, thu nhập từ lãi tiền gửi tổ chức tín dụng là thu nhập được miễn thuế (khoản 7 điều 4). Nghĩa là về nguyên tắc, lãi tiền gửi là một dạng thu nhập, nhưng được đưa vào nhóm miễn thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm chi tiêu, gửi tiết kiệm cũng như thúc đẩy hoạt động huy động vốn của ngân hàng.
Chính sách này của Việt Nam cũng tương đồng với quốc tế. Như ở Anh, lãi từ tiết kiệm tiền gửi cá nhân cũng không chịu thuế. Nhưng với một số nước phát triển khác, lãi tiền gửi vẫn chịu thuế. Theo đó, với cách lý giải của LS Trương Thanh Đức, đây cũng không phải là không hợp lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hội nhập còn nhiều khó khăn, theo đó cần có sự đánh giá tác động của đề xuất này, liệu đã phù hợp để áp dụng hay chưa.
“Chẳng hạn, đề xuất trên đang tập trung vào những khoản tiền gửi lớn, với mức lãi khoảng 200 triệu đồng/năm trở lên (tương đương khoảng 3 tỷ tiền gửi với lãi suất hiện hành trung bình 6,5%/năm). Nếu áp dụng, tác động có khả năng cao là người dân hạn chế sử dụng hình thức đầu tư là gửi tiết kiệm. Vậy tiền nhàn rỗi sẽ được đầu tư vào hình thức nào và bằng công cụ nào? Trong khi đó, Việt Nam hiện ít có những kênh đầu tư hấp dẫn, vì thế cần nghiên cứu để tránh những biến tướng tài chính”, LS Quân phân tích thêm.
Theo Hải Yên/Báo Tin Tức