Phủ rộng từ Đông Nam Á cho tới Mỹ, đế chế của Charoen hiện thống trị thị trường Thái Lan với thương hiệu bia Chang, rượu Sang Som và sở hữu hãng đồ uống Fraser & Neave (F&N) tại Singapore. Với việc thâu tóm Sabeco, tỷ phú này cũng nắm trong tay các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam gồm bia Sài Gòn và 333.
Loạt thương vụ M&A ngành thực phẩm - đồ uống
Charoen Sirivadhanabhakdi - con trai một người bán hàng rong trên phố - cùng gia đình bắt đầu mở rộng đầu tư kinh doanh rượu, đường và gia nhập lĩnh vực ngân hàng bảo hiểm vào những năm 1980 đầu 1990.
|
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Ảnh: Forbes. |
Tỷ phú này gia nhập thị trường bia Thái Lan vào năm 1995 khi thành lập liên doanh với hãng bia Đan Mạch Carlsberg để sản xuất bia Chang. Sau đó, ông thành lập Beer Thai Co để làm marketing và phân phối sản phẩm.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, các công ty tài chính của gia đình Sirivadhanabhakdi phải đóng cửa, buộc ông rời Thái Lan và sống ở nước ngoài một thời gian.
Năm 1999, công ty của tỷ phú này bắt đầu đẩy mạnh cuộc chiến giành thị phần của bia Chang bằng việc giảm giá bán buôn và giành thị phần từ đối thủ Singha Corp - sở hữu thương hiệu bia Singha (Lion) nổi tiếng tại Thái Lan từ năm 1933.
|
Đế chế của tỷ phú Charoen hiện thống trị thị trường Thái Lan với thương hiệu bia Chang. Ảnh: Getty Images. |
Beer Thai sau đó được tái cơ cấu và trở thành một phần của Thai Bev trước khi công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore năm 2006 vì vấp phải sự phản đối của hội nhà sư và những người phản đối đồ uống có cồn.
Năm 2008, công ty này thâu tóm hãng sản xuất sushi và trà xanh Thái Oishi Group với giá 214 triệu USD.
Năm 2011, Thai Bev mua gần 65% cổ phần của Serm Suk PCL - hãng đóng chai tại Thái Lan của Pepsi để mở rộng mảng kinh doanh nước giải khát.
Năm 2013, đế chế của tỷ phú này mua lại hãng đồ uống 130 năm tuổi F&N trong thương vụ trị giá 11,2 tỷ USD. Thương vụ này đã bổ sung mạng lưới phân phối khổng lồ cho Thai Bev.
Theo Euromonitor, F&N là công ty dẫn đầu thị trường nước giải khát Singapore và Malaysia. Công ty này cũng sở hữu 55% cổ phần tại hãng bia Myanmar Brewery Ltd - liên doanh sản xuất thương hiệu bia bán chạy nhất tại Myanmar.
Tháng 8/2017, Thai Bev tuyên bố thương vụ mua lại 240 cửa hàng KFC tại Thái Lan từ Yum Restaurants International Co Ltd với giá 330 triệu USD. Thương vụ này sẽ hoàn tất vào tháng 12 năm nay.
Mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ
Năm 2015, công ty TCC Holding Co của tỷ phú Charoen đứng sau thương vụ mua lại công ty Metro Cash & Carry Việt Nam với giá gần 800 triệu USD. Tại Việt Nam, ông Charoen đã sở hữu gần 20% của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam thông qua F&N.
Năm 2016, công ty Berli Jucker Pcl của ông Charoen tiếp tục thực hiện thương vụ M&A tiêu dùng lớn thứ 2 tại Đông Nam Á trong 5 năm khi thâu tóm cổ phần của Big C Supercenter Pcl Thái Lan với giá 3,4 tỷ USD từ tập đoàn Casino Group (Pháp).
Thương vụ này đánh dấu tham vọng mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ của tỷ phú 73 tuổi, sau khi chi hơn 4 tỷ USD thâu tóm chuỗi siêu thị Siam Makro hồi năm 2013.
Big C đang vận hành gần 700 siêu thị, bao gồm 125 đại siêu thị, trên khắp Thái Lan. Đây là chuỗi siêu thị lớn thứ 2 tại nước này sau Tesco Lotus của công ty Tesco (Anh).
|
Các thương vụ "khủng" của tỷ phú Charoen 5 năm qua. Nguồn: Bloomberg. |
Đại gia trong ngành bất động sản
Ngoài lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, tỷ phú Charoen cũng đầu tư mạnh vào thị trường bất động sản. Công ty TTC Land của ông sở hữu nhiều trung tâm mua sắm, khách sạn, bao gồm Hotel Plaza Athenee ở New York, và nhiều tài sản khác tại Singapore.
|
Khách sạn Hotel Plaza Athenee ở New York. Ảnh: Flickr. |
Con trai Panote Sirivadhanabhakdi hiện là người đứng sau các thương vụ bất động sản của ông Charoen và đang quản lý dự án khu phức hợp One Bangkok trị giá 3,5 tỷ USD tại trung tâm Bangkok.
Hồi năm 2007, tờ Straits Times đưa tin ông Charoen đã mua 47 trong số 48 căn hộ trong một khu chung cư xa xỉ tại Singapore. Lẽ ra ông đã mua trọn chung cư này nếu như không bị ngăn cản bởi luật pháp nước này. Theo quy định của Singapore, một người nước ngoài không được phép sở hữu tất cả một dự án bất động sản.
Ngoài ra, tỷ phú Charoen cũng hứng thú với bóng đá. Năm 2004, ông tỏ ý muốn mua 25% cổ phần tại câu lạc bộ bóng đá Anh Liverpool. Dù thương vụ này không thành, ông vẫn theo sát bóng đá Anh khi giành được thoả thuận quảng cáo bia Chang trên áo của Everton - một trong những đối thủ lớn nhất của Liverpool.
Ông Charoen hiện sở hữu tài sản 19,3 tỷ USD, là người giàu thứ 2 tại Thái Lan và thứ 62 trên thế giới, theo xếp hạng của Forbes.
Theo Zing