Dự thảo Nghị định vẫn giữ mức giới hạn là 10.000 đồng/lần đặt cược và tối đa 1 triệu đồng/sản phẩm/ngày. Bộ Tài chính cho rằng mức này để kiểm soát người chơi và quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh đặt cược, kinh nghiệm các nước đều đặt hạn mức đặt cược nhằm tránh người chơi không ham mê quá mức, ảnh hưởng đến tài chính và an ninh, trật tự xã hội. Sau 5 năm thí điểm, cấp có thẩm quyền có thể xem xét điều chỉnh hạn mức này.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, có 27 giải đấu và 9 trận đấu lớn được lựa chọn để đặt cược. Trong số đó, có 15 giải đấu được tổ chức thường xuyên hàng năm do Liên đoàn bóng đá khu vực châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và các nước Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp tổ chức; 12 giải còn lại là những giải không tổ chức thường xuyên.
Dự thảo đề nghị giữ nguyên độ tuổi tham gia đặt cược là 21 tuổi nhằm đảm bảo đủ hành vi dân sự và đã có thu nhập, kiểm soát được khả năng tài chính của bản thân khi đặt cược.
Bộ Tài chính cũng nêu rõ, điều kiện tham gia dự thầu là doanh nghiệp phải có vốn hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó, vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được vượt 50% tổng vốn đầu tư dự án và có cam kết đóng góp cho ngân sách nhà nước bằng tiền tối thiểu 5% doanh thu bán vé đặt cược.
Theo Bộ Tài chính, đặt cược bóng đá là loại hình kinh doanh có tác động tiêu cực về mặt xã hội, vì vậy cần được triển khai thận trọng, từng bước và có lộ trình nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Kinh nghiệm từ một số nước cũng chỉ cho phép 1 doanh nghiệp kinh doanh đặt cược như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.
Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục giữ quan điểm chỉ cho phép một nhà đầu tư thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế trong 5 năm. Sau thời gian thí điểm, các bộ, ngành sẽ cùng đánh giá, tổng kết và trình cấp có thẩm quyền quyết định việc tiếp tục cho phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế; trong đó có việc bổ sung số lượng doanh nghiệp tham gia hoặc có thể chấm dứt loại hình kinh doanh này.
Theo Thùy Dương/TTXVN