Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết cơ chế hoạt động của tổ là khi có việc, tổ sẽ có thảo luận chung.
Cũng có những vấn đề có thể giao cho từng người hoặc từng nhóm, trong đó một số người làm chính. Nguyên tắc là ai cũng có ý kiến của mình, nhưng mọi ý kiến phải đưa ra thảo luận chung.
Tổ tư vấn cũng sẽ có bộ máy giúp việc riêng. Tổ giúp việc hỗ trợ tổng hợp ý kiến và thực hiện những công việc hỗ trợ cho các thành viên.
|
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên. Ảnh: Hiếu Công. |
Trong khi đó, TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn, nói trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ rằng Thủ tướng đã chia sẻ với các chuyên gia là bất kỳ lúc nào cũng có thể gửi ý kiến trực tiếp, hoặc thông qua Tổ trưởng tổ tư vấn.
Đương nhiên, những vấn đề mang tính dài hạn hoặc những vấn đề phức tạp đòi hỏi phải phân tích sâu và có thực chứng, thì phải thông qua tổ và trao đổi kỹ.
Qua cuộc làm việc lần thứ nhất của Tổ tư vấn kinh tế, tôi thấy Thủ tướng luôn trăn trở với sự phát triển của đất nước, trong đó ưu tiên hàng đầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và toàn diện trong ngắn, trung và dài hạn.
GS.TS Nguyễn Đức Khương (từ Pháp) nói trên Tuổi Trẻ.
Để làm tốt nhiệm vụ, tổ phải hết sức chủ động. Các nhà khoa học phải thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, khi phát hiện ra yếu tố gây tác động khó khăn, trở ngại cho phát triển kinh tế xã hội thì kịp thời đề xuất tháo gỡ.
Đã có đề xuất đầu tiên
Theo ông Ngoạn, khác với các cơ quan có chức năng tham mưu chính sách theo luật định, tất cả đề xuất, kiến giải của tổ tư vấn, bao gồm nhận diện vấn đề, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp đều phải dựa trên thực chứng, có hàm lượng khoa học.
“Khi Thủ tướng làm việc với tổ vừa qua, chúng tôi cũng đã đưa ra một số kiến nghị với những tính toán định lượng cụ thể. Như chúng tôi nhận thấy tỷ lệ doanh nghiệp đóng thuế trên tổng số doanh nghiệp hoạt động đang giảm sút. Rồi chi phí của doanh nghiệp cao nhưng ở khâu nào, công cụ chính sách nào có thể sử dụng.
Giảm 1% chi phí thì lợi nhuận doanh nghiệp tăng bao nhiêu, tạo cơ hội để doanh nghiệp tăng đầu tư mở rộng bao nhiêu, qua đó giúp GDP tăng thêm bao nhiêu”, ông Ngoạn chia sẻ.
Về những vấn đề dài hạn, Tổ sẽ có chương trình để các chuyên gia chủ động nghiên cứu, từ đó hình thành các báo cáo chuyên đề. Các kiến nghị phải dựa trên kết quả nghiên cứu chuyên sâu, kinh nghiệm quốc tế, đặc điểm văn hóa và ứng xử của thị trường tại Việt Nam.
TS. Trần Đình Thiên nói với Zing.vn, đã có đề xuất đầu tiên lên Thủ tướng, là cắt thủ tục hành chính xuống còn 1/3 so với hiện nay trong một thời hạn nhất định. Nếu không làm được thì phải có biện pháp kỷ luật rõ ràng. Có như vậy thì mới đảm bảo tính hiệu quả.
Mục tiêu và là động lực đầu tiên để chúng ta có đủ quả cảm, mạnh dạn cải cách... đó là trọng dụng nhân tài và tiệt trừ tham nhũng.
TS Vũ Minh Khương (từ Singapore) nói với Tuổi Trẻ
Thủ tướng muốn có nhiều kênh thông tin tốt nhất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore, Thành viên Tổ tư vấn, cho rằng việc thành lập Tổ tư vấn kinh tế là một cố gắng bước đầu của Thủ tướng và Chính phủ trong nỗ lực quy tụ và khai thác nguồn lực tri thức cho công cuộc phát triển đất nước.
Ông Vũ Viết Ngoạn cho biết hiện nay tính chất của nền kinh tế đã phức tạp hơn rất nhiều. Yêu cầu của Thủ tướng là làm sao có thêm nhiều kênh thông tin tốt nhất, cập nhật nhất.
Ngoài ra, cần tranh thủ được sự vào cuộc của giới học giả, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khoa học. Kể cả ý kiến mang tính phản biện chính sách, giúp Thủ tướng có cái nhìn toàn diện hơn trước khi quyết định.
Theo ông Ngoạn, tổ có nhiệm vụ được giao khá rộng, từ tư vấn cho Thủ tướng về chiến lược phát triển kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, đến theo dõi các diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, để tư vấn cho Thủ tướng về phản ứng chính sách.
Khi được Thủ tướng yêu cầu, tổ cũng sẽ tham gia các đề án, chiến lược trung và dài hạn của Chính phủ trước khi trình Trung ương, Quốc hội. Thủ tướng cũng giao cho tổ chức năng phản biện chính sách.
|
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Quốc hội. |
Về ưu tiên của Tổ tư vấn, ông Ngoạn cho biết, tổ dự kiến tập trung vào các nội dung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
"Chủ trương thì có rồi, nhưng tổ phải nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn như làm thế nào, cái gì làm trước, cái gì làm sau", ông nói.
Ngoài các vấn đề liên quan đến kinh tế phát triển, tổ cũng sẽ quan tâm nội dung ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các điểm nghẽn để đảm bảo ổn định tài chính.
3 điều kiện tiên quyết để Tổ tư vấn hoạt động hiệu quả
Tuổi Trẻ dẫn lời TS. Vũ Minh Khương chỉ ra 3 điều kiện tiên quyết để Tổ tư vấn hoạt động thực sự hiệu quả.
Thứ nhất, Chính phủ cần ủy nhiệm cho tổ tư vấn làm việc với các bộ, ngành và địa phương để đưa ra một chiến lược phát triển cho 30 năm tới, quyết tâm đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp phát triển theo tiêu chuẩn của khối OECD vào năm 2045, khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm độc lập.
Như người xưa từng nói, “ý chí của người đứng đầu đến đâu thì kế sách của mưu sĩ đến đó”.
"Mục tiêu và là động lực đầu tiên để chúng ta có đủ quả cảm, mạnh dạn cải cách, đó là tiệt trừ tham nhũng và trọng dụng nhân tài", TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Thứ hai, theo ông Khương, Thủ tướng cần đưa ra những câu hỏi và đặt hàng có tính chiến lược cao. Nó cũng là thông điệp cho toàn xã hội về sự coi trọng trí tuệ, tầm nhìn.
"Điểm quan trọng để nâng tầm cho công cuộc phát triển ở Việt Nam là tăng tính minh bạch. Rất nhiều “điểm nghẽn” tăng trưởng sẽ biến mất nếu các “điểm tối” (do sự thiếu minh bạch tạo ra) được xóa bỏ", ông nói.
Cũng theo ông Khương, 15 thành viên của Tổ tư vấn cần có chiến lược cho chương trình công tác. Tầm nhìn xa, dũng khí và biết dựa vào nguồn lực xã hội (doanh nghiệp, lớp trẻ...) phải là những phẩm chất then chốt mà mỗi thành viên trong tổ cần có và không ngừng hun đúc...
Khoa học không có biên giới và tư tưởng đại đoàn kết
Về việc lựa chọn các thành viên tham gia tổ tư vấn, TS. Vũ Viết Ngoạn cho biết các nhà khoa học và chuyên gia tham gia có kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, tập trung vào 4 lĩnh vực gồm kinh tế phát triển, kinh tế vĩ mô, hội nhập và kinh tế tài chính. Dự kiến tổ sẽ phân theo các nhóm như vậy.
Tổ có các chuyên gia đã từng tham gia hoạch định chính sách, kể cả lập pháp và hành pháp. Một số thành viên khác có kinh nghiệm từ doanh nghiệp hay quản lý doanh nghiệp. Như vậy các đề xuất chính sách của tổ không chỉ thuần tuý dựa trên cơ sở khoa học mà còn được xem xét trên cơ sở thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.
Tổ có các chuyên gia đang công tác ở nước ngoài, cho nước ngoài. Thông qua các chuyên gia này, tổ có điều kiện kết nối thêm các nhà khoa học quốc tế, tranh thủ thêm kiến thức, kinh nghiệm, sự hỗ trợ của các viện, trung tâm, nghiên cứu quốc tế.
Một chi tiết đáng lưu ý là có không ít thành viên không phải đảng viên. Những điều này, theo tôi, thể hiện quan điểm của Thủ tướng là khoa học không có biên giới và tư tưởng đại đoàn kết.
Theo Hiếu Công/Zing