Dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến. Theo nội dung dự thảo thì, mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị có thể từ 60-70 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, các thành viên còn có thể nhận mức lương kế hoạch được xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận…
|
Mức lương áp dụng với các vị trí chức danh trong tập đoàn và tổng công ty nhà nước dự kiến được thí điểm. Ảnh: I.T |
Bàn về nội dung trong dự thảo, ông Phạm Minh Huân cho rằng: “Tôi không hiểu lý do vì sao Bộ LĐTBXH lại đưa ra dự thảo và đề xuất thí điểm quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với 3 tập đoàn, tổng công ty là: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNTP); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) (gọi chung là công ty). Không hiểu 3 đơn vị này có gì đặc thù?”.
Mặt khác, ông Huân cũng thắc mắc không hiểu việc triển khai, đánh giá tác động và mục đích của việc thí điểm này để làm gì. Ông Huân cho biết, trước đây ông được Viettel mời về làm chế độ tính lương cho cán bộ, công nhân viên của đơn vị này. Đây là đơn vị đặc thù vì vừa làm nhiệm vụ kinh tế lại vừa làm nhiệm vụ quốc phòng. Lợi nhuận kinh tế thu về càng lớn thì tiền lương cũng càng tăng. Đài Truyền hình Việt Nam cũng vậy. Việc áp lương, thưởng đều tính trên hiệu quả kinh doanh và sản phẩm làm ra.
“Tôi thắc mắc, không hiểu Bộ LĐTBXH trình dự thảo lấy ý kiến với mục đích gì hay do mấy tổng công ty nhà nước kêu lương thấp, muốn đẩy lương lên. Tuy nhiên, tôi cho rằng mức lương 36 triệu đồng đang trả cho người lãnh đạo các tập đoàn, công ty nhà nước là mức lương không thấp. Đây là lương cơ bản còn thực tế, doanh nghiệp làm ăn được thì doanh nghiệp vẫn có cơ chế thưởng” - ông Huân nói.
|
Ông Phạm Minh Huân. |
Ông Huân cũng không đồng tình với đề xuất lương lãnh đạo của mấy công ty này lên đến 70 triệu đồng. "Lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng chỉ là người làm thuê cho Nhà nước. Lương phải gắn với hiệu quả kinh doanh, mức lương trong dự thảo đề xuất đang cao gấp đôi hiện tại" - ông Huân nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, việc ban hành Dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là một bước nhằm hướng tới thực hiện cải cách toàn diện tiền lương trong cả khu vực Nhà nước và doanh nghiệp trơng thời gian tới.
“Tuy nhiên, muốn cải cách gì thì cải cách lương phải gắn với hiệu quả, với thị trường. Đặc thù doanh nghiệp Nhà nước sở hữu tài sản công, ông tổng giám đốc chỉ làm thuê cho Nhà nước vì thế không thể đòi trả lương cao hơn so với giá thị trường. Một số đơn vị tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước bộ máy thì cồng kềnh, năng suất không tăng, lợi nhuận không tăng thì làm sao tăng lương được” - ông Huân nêu ý kiến.
Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án tiền lương áp dụng:
+ Phương án 1 (quy định tiêu chuẩn dựa trên quy mô hiện hành):
Loại 1, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 50.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (công ty con hoạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên.
Loại 2, áp dụng đối với công ty có chỉ tiêu kế hoạch hằng năm: vốn sản xuất, kinh doanh dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 50.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người.
+ Phương án 2 (căn cứ quy mô hiện hành để ấn định loại công ty):
Loại 1, áp dụng đối với công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Loại 2, áp dụng đối với công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Về mức tiền lương kế hoạch, dự thảo quy định:
Mức tiền lương kế hoạch xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là tỷ suất lợi nhuận) kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề như sau:
Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch bằng hoặc cao hơn lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 02 lần mức lương cơ bản.
Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thấp hơn không quá 50% so với lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 02 lần mức lương cơ bản nhân với tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận kế hoạch so với lợi nhuận năm trước liền kề.
Trường hợp lợi nhuận thấp hơn dưới 50% so với lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 01 lần mức lương cơ bản và tối thiểu bằng 50% so với mức lương cơ bản.
Trường hợp không có lợi nhuận thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 50% so với mức lương cơ bản; lỗ thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 30% so với mức lương cơ bản.
Dự thảo hết hạn lấy ý kiến vào ngày 5/8/2019.
Theo Thùy Anh/Dân Việt