Delay 9 giờ dù mua vé máy bay hết 18 triệu đồng

Google News

Cứ tưởng đi máy bay về quê dịp Tết mỗi năm thì “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Tuy nhiên, nỗi bức xúc nối dài vì mỗi lần đi máy bay lại nảy sinh những vấn đề khác nhau.

 
Delay 9 gio du mua ve may bay het 18 trieu dong
 Hành khách được khuyến nghị chủ động sắp xếp thời gian làm thủ tục trước thời điểm khởi hành 120 phút đối với chuyến bay quốc nội. Ảnh: Hoàng Hà.
20h ở sân bay Tân Sơn Nhất, tại khu vực chờ của những chuyến bay trong nước, một người đàn ông áo nâu đang lớn tiếng trước quầy đại diện của một hãng bay: “Tôi đi hãng này mấy năm rồi. Delay 1-2 tiếng thì cũng chấp nhận đi. Hôm nay delay 9 tiếng ai mà chịu nổi. Hoàn lại tiền đi...”.
“Anh ơi, anh bình tĩnh. Em xin nhắc anh bây giờ hoàn tiền sẽ không lấy được tiền mặt ngay đâu mà phải đợi 30-45 ngày. Đó là quy trình xử lý hoàn tiền”, nhân viên của hãng bay nhắc nhở người đàn ông.
“Không! Hoàn là hoàn luôn để còn mua vé khác chứ tại sao phải đợi 30-45 ngày. Người ta có 18 triệu mua vé máy bay về quê mà giờ cả tháng mới hoàn tiền rồi sao về quê? Dời sang 9 tiếng thì sang đến ngày hôm sau luôn rồi còn đâu. Lịch 11h50 bay mà giờ 20h rồi”, người đàn ông áo nâu trả lời.
Sau một hồi trao đổi, người đàn ông lớn tiếng hơn. Nhân viên hãng bay buộc lòng phải gọi sự giúp đỡ của nhân viên an ninh. Sau đó, anh bỏ đi và từ chối trao đổi với Tri thức - ZNews.
Người đàn ông áo nâu không phải là trường hợp duy nhất gặp vấn đề khi đi máy bay mùa Tết. Anh cũng không phải người duy nhất có thái độ bức xúc tại quầy đại diện của các hãng bay - nơi giải quyết những vấn đề của khách hàng khi đi máy bay.
Đến sân bay rồi phải về nhà
Tối 5/2, vợ chồng anh Nam cũng bức xúc và lớn tiếng với nhân viên tại quầy đại diện. Anh Nam (37 tuổi) thậm chí còn lấy điện thoại ra quay lại cuộc trò chuyện của anh và nhân viên.
Trao đổi với Tri Thức - ZNews, anh kể: “Vợ chồng tôi bay từ TP.HCM ra Hà Nội vào chuyến bay lúc 19h40 và đến cũng khá sớm, sớm hơn cả tiếng đồng hồ đấy. Xếp hàng một lúc, em thấy trễ quá rồi nên ra hỏi nhân viên là có hàng ưu tiên không, vì nhà em có người già và trẻ nhỏ mà cũng sắp đến giờ bay rồi. Nhân viên bảo cứ xếp hàng đi. Đến lúc xếp xong thì lại kêu là trễ, đóng quầy rồi. Xem có tức không?”.
Theo đó, phương án của hãng đưa ra cho các hành khách gặp trường hợp như vợ chồng anh Nam là phải dời lịch bay sang chiều mai và đóng phạt hơn 700.000 đồng tiền đi trễ. Nếu không, các hành khách sẽ phải chịu mất tiền vé mà vẫn không được bay.
Một trường hợp oái oăm khác khi đi máy bay dịp Tết là bố con anh Văn Hải (43 tuổi) và Thiên Nhi (14 tuổi). Đây là lần đầu hai bố con di chuyển bằng phương tiện này để về Hà Nội ăn Tết.
Delay 9 gio du mua ve may bay het 18 trieu dong-Hinh-2Những ngày cận Tết, sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày có trung bình 860-900 chuyến bay với khoảng 135.000-140.000 hành khách. Ảnh: Duy Hiệu.
Ngày 5/2, anh Hải check-in trễ nên chấp nhận quay lại vào ngày mai và đóng thêm hơn 1 triệu đồng tiền phạt trễ chuyến. Tối đó, hai bố con đành bỏ ra gần 2 triệu nữa để ở lại nghỉ ngơi, ăn uống tại khách sạn gần máy bay, thuận tiện di chuyển vào sáng hôm sau.
Chưa tới 8h sáng 6/2, hai bố con có mặt tại sân bay để kịp check-in trước 2 tiếng theo quy định, song vì xếp hàng lâu nên khi đến lượt thì đã trễ giờ lên máy bay. Cách giải quyết cho trường hợp này tương tự ngày hôm qua nhưng anh Hải không đồng ý.
“Tôi nhận lỗi lần đầu thuộc về tôi, nhưng lần hai thì do nhân viên không hướng dẫn tận tình. Nhân viên quầy đại diện của hãng đưa cho tôi một tờ giấy ghi thông tin chuyến bay mới nhưng không nói gì thêm, khiến tôi không nhận ra chuyến bay đã có sự thay đổi số hiệu. Tôi cứ thế đứng xếp hàng ở quầy thủ tục, đến lượt mình thì đã trễ giờ. Và giả sử có đến sân bay sớm 5-6 tiếng nhưng việc chen chúc trong hàng người kéo dài cũng có thể khiến chúng tôi trễ như thường”, anh Hải bức xúc.
Delay 9 gio du mua ve may bay het 18 trieu dong-Hinh-3Ngày 27 Tết, có hơn 85.000 người rời TP.HCM trên các chuyến bay. Ảnh: Duy Hiệu.
Hiện tại, hai bố con tiếp tục chờ đợi trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì không thể về nhà và chịu mất hơn 20 triệu đồng, nhưng cũng không đảm bảo sẽ được bay nếu quay lại vào hôm sau.
Khoảng gần một tiếng sau, hai bố con quyết định đổi chuyến bay sang 9h30 ngày 7/2 và đóng thêm gần 1 triệu tiền phạt. “Thế là mất toi gần 30 triệu đồng để về quê ăn Tết”, anh Hải ngậm ngùi.
Không có tên trong danh sách hành khách
Chiều tối 5/2 tại sân bay Tân Sơn Nhất, Ly (29 tuổi) vừa ôm con nhỏ, vừa liên tục gọi điện thoại để hỏi thăm thông tin vé máy bay.
Trao đổi với Tri Thức - ZNews, cô cho biết mình đã đặt vé từ TP.HCM đi Đà Nẵng vào lúc 13h thông qua người quen làm ở đại lý. Suất cuối này thực chất của một hành khách đặt mua trước đó nhưng không bay nữa nên chuyển qua cho Ly và con.
Đến sân bay, Ly nhận được thông tin chuyến bay của mình bị delay đến 17h. Sau 4 tiếng chờ đợi, Ly gặp phải tình huống trớ trêu hơn - phát hiện mình không có tên trong danh sách hành khách trên chuyến bay dù đã xác nhận đặt vé thành công.
Delay 9 gio du mua ve may bay het 18 trieu dong-Hinh-4Quầy đại diện - nơi các hãng bay xử lý các vấn đề trễ chuyến, giờ bay, thiếu giấy tờ... cho khách hàng - luôn đông đúc những ngày cận Tết. Ảnh: Tuấn An.
“Tôi cũng không hiểu tại sao lại vậy, có lẽ do đại lý trung gian quên thay tên vị khách đã bỏ vé bằng tên tôi chăng? Gia đình 4 thành viên chúng tôi chia làm hai nửa, một nửa đi ôtô, còn tôi và em bé đi máy bay. Hai người đi ôtô chắc đã đến nơi rồi, trong khi mẹ con tôi vẫn vạ vật ở đây. Mọi người ngoài quê đang sốt ruột lắm, kể cả xe đưa đón chúng tôi cũng đã chờ sẵn ở sân bay Đà Nẵng”, Ly dở khóc dở cười.
Thời điểm đó, Ly cho biết vé máy bay đi từ TP.HCM đến Đà Nẵng đã hết, chỉ có thể tìm chuyến TP.HCM đi Huế rồi tính tiếp. “Biết thế này, tôi đi xe giường nằm còn sướng hơn”, Ly bày tỏ.
May mắn là một lát sau, cô đã tìm được vé máy bay về Huế.
Theo ghi nhận, tại quầy đại diện cũng có nhiều trường hợp đến xin hỗ trợ vì không thể làm thủ tục do thiếu căn cước công dân. Chị Hạnh (38 tuổi) và con trai Tấn Phát (14 tuổi) cũng mắc kẹt tại TP.HCM vì Phát chưa làm căn cước công dân trước khi về quê ăn Tết.
“Con tôi vừa qua sinh nhật 14 tuổi vài tuần thôi nên tôi chưa kịp đưa con đi làm căn cước công dân. Cứ chủ quan là có thể dùng khai sinh tạm rồi sang năm làm, không ngờ gặp phải vấn đề này”, chị Hạnh bày tỏ.
Sau một hồi thảo luận, chị Hạnh quyết định mình và em gái sẽ ra máy bay về quê trước. Trong khi đó, con trai của chị sẽ về ở nhà người thân trong tối nay. Từ tối nay đến giờ bay ngày mai, gia đình chị sẽ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để Tấn Phát làm thủ tục bay.
Ngành hàng không đang ở trong giai đoạn cao điểm dịp Tết Nguyên đán. Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón 4,3 triệu hành khách trong Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, sân bay sẽ đón khoảng 96.000 lượt khách quốc nội/ngày.
Do lượng khách đông đúc, đại diện sân bay Tân Sơn Nhất khuyến cáo hành khách cần chủ động sắp xếp thời gian làm thủ tục trước thời điểm khởi hành 120 phút đối với chuyến bay quốc nội.
Mặt khác, hành khách nên hạn chế người nhà đưa đón và không đến quá sớm so với giờ khởi hành để tránh quá tải, ùn tắc tại khu vực sảnh công cộng.
Hành khách cần kiểm tra kỹ tình trạng giấy tờ tùy thân, đảm bảo còn đủ thời hạn sử dụng.
Ngoài ra, để giảm thời gian xếp hàng, hành khách có thể tự làm qua các hình thức trực tuyến hoặc qua hệ thống kiosk check-in tự động tại sân bay.
Theo Đông Tùng - Mai Vũ/Znews