Đi săn 'vũ nữ chân dài' trong đêm ở miền Tây
Môi trường sống tự nhiên của ếch đá là các khe núi, dòng suối, khu rừng ẩm ướt nhiệt đới. Mùa để ếch đá ra khỏi hang chính là mùa mưa tháng 7-8, bởi chúng cần nước để sinh sản. Đối với người Tày mùa săn ếch đá họ luôn nhớ trong đầu bởi một năm các “vũ nữ” (vì ếch đá có đôi chân dà nên người dân thường gọi vui là vũ nữ chân dài) mới ra ngoài hang vài ngày trong mùa mưa. Đây là cơ hội duy nhất để bắt chúng.
Mặt trời vừa buông xuống sau đỉnh núi Chạm Chu. Mây đen găng tới, cơn mưa rào bắt đầu ào đến, sấm chớp đùng đoàng. Nước chảy mạnh trên dòng thác Tát Lụa, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa). Ngớt mưa, ông Phương Văn Cường, dân tộc Tày, thôn Đồng Mo, xã Hòa Phú chuẩn bị hành trang cho một buổi săn ếch đá vào đêm.
|
Nghề tay trái săn ếch đá giúp nhiều người dân tăng thu nhập. |
Ông Cường lấy giỏ tre đeo vào bên hông, tay cầm chiếc vợt dụng cụ chuyên để bắt “chân dài”. Lấy đèn pin đeo lên trán, choàng thêm tấm ni lông che mưa, ông Cường cứ thế băng rừng lên khe núi Khuổi Nhầu.
Theo chân ông Cường “đột kích thủ phủ” của loài hiu khi màn đêm đã buông tràn cả cánh rừng. Bên khe núi, nước từ trong vách đá chảy ra tạo thành dòng suối nhỏ mát lạnh. Cứ thế, men theo suối đá, ông Cường vừa thao tác kỹ năng bắt hiu, vừa kể cho tôi nghe về những cuộc đi săn thú vị của ông và những người bạn thuở chăn trâu. Như một tay săn thiện nghệ, ông quét một vòng ánh đèn pin khắp khe núi, tạo thành những vệt sáng trên mặt nước loang loáng.
Đây rồi, những con ếch đá đang thỏa sức bơi trong khe nước suối lạnh đón những hạt mưa rừng. Nhanh như cắt, ông dùng vợt chuyên dụng ụp nhanh xuống mặt nước vớt lên. Tay phải thoăn thoắt “chộp” từng con bỏ vào giỏ đeo bên hông.
Cứ thế, ông dầm mình dưới cơn mưa rừng để bắt ếch đá. Không chỉ ông Cường mà cũng có nhiều người dân ở xã Hòa Phú cứ vào mùa mưa, lại bắt đầu rủ nhau đi săn ếch đá. Nhất là sau mỗi đận mưa to, loài ếch này sống trong khe núi đến mùa sinh sản nhảy lên cây đẻ trứng rồi lại nhảy xuống khe nước.
Năm nào mưa nhiều thì việc săn ếch cây càng dễ dàng hơn bởi loài này thường từ trong khe đá ra ngoài đón mưa, đón nước mới về. Trong suốt mùa mưa, những người đi săn có thể bắt hiu vào buổi trưa, buổi chiều hoặc buổi tối. Thông thường người ta hay đi bắt hiu vào buổi tối, có ánh đèn nó bị quáng gà, dễ bắt hơn.
Vào mùa đi bắt hiu, mỗi toán săn khoảng vài người cùng nhau mang dụng cụ săn vào khe núi. Khó nhất là kỹ thuật dùng vợt để đón và bàn tay khéo léo bắt, bởi hiu nhảy rất nhanh. Có nhiều người đi săn cả buổi chỉ được vài con, trong khi, những tay săn thiện nghệ như ông Cường có buổi bắt được 2 - 3 kg ếch cây tươi.
Chuyến săn đêm của ông Cường hôm ấy cũng gặp may. Chẳng mấy chốc, chiếc giỏ đã đầy ếch. Món đặc sản ếch đá phải chế biến ngay mới ngon. Có lẽ, bắt chàng hiu đã khó nhưng chế biến thành món ăn của người Tày xứ Tuyên càng khó hơn.
Thường thì sau khi bắt về, ếch cây được mổ sạch và nấu canh với rau rừng hoặc xào với măng muối chua, hoặc làm bánh, cũng có thể chiên giòn hay nướng than để ăn. Để có món chàng hiu ngon, người dân bật mí khi chế biến không nên để lửa quá lớn sẽ làm mất vị ngọt, dai. Đặc biệt, muốn thưởng thức món “vũ nữ chân dài” ngon hơn phải biết pha chế đồ chấm đúng kiểu.
Có thể đơn giản chỉ là ớt xanh giã nhuyễn, trộn lẫn với muối trắng. Vị giòn ngọt, dai dai, thơm thơm của thịt hiu chiên hòa lẫn vị cay nồng của ớt, vị mặn của muối tạo nên một món ăn ngon đặc biệt, hấp dẫn.
Để tích trữ ếch cây ăn dần, người Tày ở Tuyên Quang đem phơi sấy chàng hiu, vừa để vừa phục vụ du khách. Bà Nông Thị Hiền, người thị trấn Na Hang cho biết, để có 1 kg ếch cây sấy khô, người ta thường phải chế biến từ 5 kg hiu tươi sống trở lên. Với giá thu mua 400.000 đồng/kg khô, săn ếch đá đang trở thành nghề “tay trái” giúp một số gia đình nông dân trên địa bàn tăng thu nhập.
Theo Pháp luật Việt Nam