Truyền thuyết “tiên dược”...
Nhân vật đặc biệt chúng tôi đề cập là lão nông Thân Hải Đăng, hiện là trưởng thôn Đầm Sen, xã Việt Lập. Tiếp chuyện PV Nhà nông/ Dân Việt ông kể, đây là loài sâm quý, được dân gian ví như “tiên dược”. “Loài sâm quý có ở quê hương tôi từ xa xưa, thời các cụ truyền lại rằng, từ thời vua Tự Đức, mẹ vua Tự Đức bị loà mắt, thương mẹ, nhà vua đã tìm mọi thảo dược quý hiếm cũng như các bậc lang y tài giỏi lúc bấy giờ cứu chữa song bệnh ngày càng nặng. Mọi lang y kỳ tài, những phương thuốc hay đều đã dùng cả nhưng vô hiệu.
|
Ông Thân Văn Đăng với gốc cây Sâm “đại thụ” quý hiếm. Ảnh: Nguyễn Hoàn. |
Vào lúc nhà vua vô vọng, một vị quan dâng lên một loài sâm quý tại vùng núi Dành (nay thuộc xã Việt Lập, huyện Tân Yên). Chẳng ngờ, sâm tiên đã giúp đôi mắt thân mẫu nhà vua là Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (Từ Dụ) sáng lại. Từ đó, sâm núi Dành được ví như kì thảo, “tiên dược”, trở thành sản vật tiến vua hàng năm”, ông nói.
|
Cây sâm con sau khi được ông nhân giống thành công. Ảnh: Nguyễn Hoàn. |
Tâm huyết bảo tồn loài kì thảo
Được coi như “tiên dược” nên “sâm tiên” bị săn lùng ráo riết, có thời gian loài kì thảo bị khai thác đến suy kiệt. Hơn 50 năm trước, gia đình ông Đăng may mắn phát hiện loài sâm quý và bảo tồn cho đến nay…
|
Bới một gốc sâm quý để phóng viên mục sở thị. Ảnh: Nguyễn Hoàn. |
Ông hồ hởi nhớ lại:“Cây sâm do bố tôi truyền lại, chuyện là từ thời Pháp thuộc, gia đình tôi nghèo, nhà lúc đó không còn gạo mà ăn. Lúc đó, bà và mẹ tôi đưa nhau lên núi tìm sâm bán đổi lấy lương thực. Cả ngày vất vả mới đào được 2 củ sâm tuy nhiên, khi đem đi bán có 1 củ bé quá nên họ không mua. Sau đó, mẹ tôi bị ốm nặng, thuốc uống không giảm. Bố tôi cắt một phần củ sâm nhỏ hôm trước đem sắc cho mẹ tôi uống, bệnh tình giảm dần. Thấy thuốc quý, ông đem phần còn lại của củ sâm ươm trồng lưu lại đến nay”.
Dẫn PV tham quan khu vườn trồng sâm, ông lão chỉ vào bụi sâm cuối vườn cho biết tuổi sâm hơn 40 năm. Ông Đăng bảo, sâm núi Dành leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm. Củ ở những cây sâm 2 năm tuổi chỉ to bằng ngón tay út người trưởng thành. Ngoài 5 năm tuổi, sâm mới cho củ chất lượng sử dụng được.
Ông Đăng từng tìm thấy củ sâm lớn bằng nắm tay. Vui mừng, ông đem cắt lát ngâm rượu.Rót chén rượu sâm núi Dành, ông lão nói, sâm núi Dành có vị ngọt nhẹ, nước ngâm rượu trong, uống vào đem lại cảm giác thanh mát, không nồng như các loại rượu khác. Đặc biệt, rượu sâm núi Dành rất bổ dưỡng, cải thiện sức khỏe.
Hàng chục năm giữ gìn, bảo tồn loài sâm quý ông Đăng tâm sự, thời gian đầu nhân giống sâm rất khó khăn. Tích lũy kinh nghiệm, dần dà ông đúc kết bí quyết nhân giống không tốn công sức, hiệu quả cao: “Tôi lấy đất bọc vào nhánh cây sâm, sau một thời gian khi nhánh cây mọc rễ thì chỉ việc bứt ra đem xuống gieo trồng bình thường. Cứ như vậy, sẽ có những cây sâm con”, ông nói.Hiện nay, gia đình ông Đăng dành 4 sào để trồng “sâm tiên”.
Những ngày nắng nóng này, lão nông sử dụng những cành lá vải che phủ cho những gốc sâm con, đảm bảo cây sinh trưởng ổn định. Ngoài “sâm tiên”, ông Đăng còn trồng một số loài sâm khác.“Nhiều người mua giống về trồng nhưng chất lượng củ sâm không được như tại nhà tôi. Một phần do kỹ thuật chăm sóc, hơn hết khác biệt do thổ nhưỡng không phù hợp như tại núi Dành. Nơi loài sâm quý phát tích”, chủ vườn cho biết.
|
Bình rượu sâm tiên vàng óng, vị thanh mát. Ảnh: Nguyễn Hoàn. |
Qua tìm hiểu, hiện, ông Đăng bán “sâm tiên” với giá 1,5 triệu đồng/ kg (loại củ to), 300 nghìn đồng/kg (loại nhỏ) nhưng cung không đáp ứng đủ cầu. Thời gian này, lão nông chú trọng mở rộng quy mô vườn, nâng cao sản lượng giống sâm quý.
Ông Hoàng Văn Hạ, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Lập cho biết, giống sâm gia đình ông Đăng bảo tồn là một loại sâm Nam. Hiện nay: “Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh và Viện di truyền ở Hà Nội đang nghiên cứu về giống sâm này. Khi có kết quả, xã sẽ có phương án nhân giống sâm này”, ông nói. Còn ông Thân Hải Đăng rất phấn khởi, ông kỳ vọng vào giống cây quý thế hệ trước truyền lại…
Theo Nguyễn Hoàn/Dân Việt