Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 200 hộ trên khắp 7 tỉnh, thành phố, tiêu hủy hơn 4 nghìn con lợn, khoảng 300 tấn thịt lợn.
Dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh khác như tai xanh, cúm, thương hàn...Những bệnh này gây nguy hiểm cho con người khi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh hay thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
Trước những thông tin về dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, thị trường thịt lợn tại Hà Nội đã chịu ảnh hưởng rõ rệt vì nhiều khách thận trọng hơn khi mua, thậm chí không ít người tạm thời hạn chế ăn thịt lợn thời điểm này.
Theo quan sát của PV Kiến Thức tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, sản lượng và giá thịt lợn đã giảm khá nhiều trong những ngày qua. Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ sạp bán thị lợn tại chợ Phùng Khoang (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn đang dao động khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, giảm khoảng 10% so với trước. Tuy nhiên, đây không phài là điều khiến các tiểu thương đau đầu, mà vấn đề đáng nói hơn là dù giá giảm nhưng lượng người mua không vì thế mà tăng lên. Ngược lại, khách mua hàng cũng giảm rõ rệt so với trước khi có dịch. "Chắc thời điểm này nhiều người có tâm lý ngại ăn thịt lợn vì sợ bị lợn bệnh trà trộn. Bên cạnh đó, có khách lại chuyển sang mua thịt ở siêu thị hay những cửa hàng thực phẩm để mua được thịt sạch. Vì thế, nhiều quầy bán thịt lợn tại chợ rất ế ẩm. Điều này làm chúng tôi rất lo", bà Hiền nói.
|
Nhiều sạp thịt lợn vắng khách dù đã quá giờ trưa. |
Chị Nguyễn Thị Phú, tiểu thương bán thịt lợn tại đây cho biết thêm, dịch bệnh đã khiến khách hàng thận trọng hơn khi mua thịt: "Khách hàng thường hỏi xem thịt lợn đã được kiểm dịch chưa? Thậm chí có khách còn chi chọn mua những miếng thịt có đóng dấu mực in của cơ qua kiểm dịch".
|
Chị Nguyễn Thị Phú cho biết, nhiều khách hàng chỉ mua thịt lợn có kiểm dịch. |
Tại chợ Khương Đình (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng có biến động tương tự.
Chị Vũ Thị Nguyệt, chủ sạp bán thịt lợn tại chợ Khương Đình cho biết, sau khi có dịch bệnh, giá thịt lợn đã giảm khoảng 10%. Nhiều khách hàng tỏ ra e ngại về chất lượng thịt lợn. "Trước đây mỗi ngày tôi bán khoảng 1 con lợn thịt, nhưng khi có dịch bệnh, tôi chỉ bán được khoảng nửa con", chị Nguyệt cho biết. Theo chị Nguyệt, ngay cả nhiều khách quen của chị cũng vắng bóng. Chị Nguyệt cho rằng điều này cũng dễ hiểu, vì chính chị cũng phải rất thận trọng khi mua thịt lợn thời điểm này.
Trong khi giới tiểu thương lo lắng vì không bán được nhiều hàng thì các bà nội trợ cũng đau đầu mỗi khi mua thịt lợn, khi mà dịch bệnh tả lợn châu Phi đang hoành hành. Nhiều người tiết lộ, họ phải tìm mọi cách, xoay đủ kiểu để mua được thịt lợn đảm bảo sạch, chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Trang (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, khoảng một tuần nay, mâm cơm nhà chị đã vắng bóng món thịt lợn. Thay vào đó là các món khác như tôm, cá, mực... "Biết được thông tin về dịch bệnh tả châu Phi, tôi đã khá lo lắng. Trong khi chưa tìm được nơi thực sự yên tâm để mua thì tôi chọn cách hạn chế sử dụng thịt lợn chế biến món ăn. Trước đây, thỉnh thoảng tôi vẫn dùng mỡ lợn để nấu thức ăn thì nay tôi đã hoàn toàn thay bằng dầu thực vật", chị Trang nói.
|
Khách hàng thận trọng khi mua thịt lợn. |
Chị Phương Thảo (Hoàng Mai - Hà Nội) thì cho biết: "Do thịt lợn là món ăn phổ biến và khoái khẩu của cả nhà nên tôi không thể không mua. Tuy nhiên, hiện tôi đã rất cẩn thận khi chọn mua thịt lợn. Tôi chỉ mua thịt lợn ở nơi có có kiểm dịch rõ dàng như siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm sạch. Giá thịt ở siêu thị thường cao hơn giá chợ truyền thống, còn giá thịt lợn sinh học tại các cửa hàng thực phẩm sạch cao gấp đôi giá thị trường. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi mua". Cũng theo chị Thảo thì chị còn vừa gọi điện về quê nhờ người nhà mổ
thịt lợn sạch và gửi lên cho chị ăn dần.
|
Khách hàng chọn mua miếng thịt có dấu kiểm dịch. |
Nhiều bà nội trợ khác cũng cho biết, họ chọn biện pháp rủ nhau mổ chung một con lợn sạch ở chỗ tin cậy để cùng mua và ăn dần.
Theo các cơ quan chức năng, khách hàng không nên quá lo lắng về dịch bệnh tả lợn châu Phi. Tuy vậy, cần biết cách chọn thịt lợn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho gia đình. Khách hàng nên tránh xa những khu chợ cóc, chợ tạm, chợ ven đường mà mua thịt lợn tại các chợ dân sinh, các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm có uy tín, có kiểm dịch rõ ràng. Đặc biệt, khi chế biến thịt lợn cần phải nấu thật kỹ.
Thế Hoàng