Điểm tựa 'kích hoạt' thị trường chứng khoán

Google News

Thị trường chứng khoán liên tiếp đón nhận dòng tiền hàng tỷ USD mỗi phiên giao dịch, giúp nhiều nhóm cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ.

Diem tua 'kich hoat' thi truong chung khoan
Ảnh minh họa: TTXVN
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản vẫn “đóng băng”, lãi suất ngân hàng giảm… dòng tiền đã, đang chảy sang kênh chứng khoán.
Thậm chí, theo Công ty cổ phần Chứng khoán DSC (DSC), nhiều nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng vào một cơn sóng lớn như thời COVID-19. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này đánh giá xác suất xảy ra "đại sóng" trong hiện tại là thấp.
DSC lý giải, bối cảnh tiền rẻ với lãi suất điều hành liên tục được điều chỉnh giảm, cùng sự tham gia trở lại của nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trong nền kinh tế khó khăn là những động lực giúp thị trường tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
Dòng tiền hiện tại trên thị trường, đặc biệt là cầu nội rất khỏe, là điểm tựa cho những kỳ vọng. Với diễn biến hiện tại của thị trường, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến viễn cảnh tươi đẹp, với đà tăng mạnh mẽ như trong giai đoạn COVID-19, DSC cho biết.
Tuy nhiên, khi xét kỹ trên từng yếu tố, DSC đánh giá giai đoạn hiện tại có nhiều yếu tố không thuận lợi cho thị trường bằng giai đoạn đại dịch.
Không chỉ riêng ở thị trường chứng khoán Việt Nam, sự hưng phấn đã xuất hiện ở rất nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu và cả châu Á. Đặc điểm chung dễ thấy của trạng thái các thị trường là dòng tiền mạnh mẽ, có sự tham gia của đông đảo nhà đầu tư cá nhân và đánh cược lớn vào triển vọng tương lai.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Câu chuyện về lạm phát, rủi ro suy thoái kinh tế hay sự bất ổn tiềm tàng của hệ thống tài chính vẫn còn hiện hữu.
Ví dụ gần nhất cho sự bất ổn tiềm tàng là việc Fitch Ratings (1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới) đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ (lần gần nhất Mỹ bị hạ tín nhiệm là tháng 4/2011).
Nhưng một khi những “làn gió ngược” chưa đủ lớn, sự hưng phấn ngắn hạn sẽ tiếp tục được duy trì. Thị trường vẫn tiếp tục có khả năng diễn biến tích cực khi các nhà đầu tư tham gia thị trường cho rằng “đây chưa phải lúc tiệc tàn”.
Thực tế, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước cũng đã giảm từ 1,5 - 2% trên các khoản vay. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để khơi thông dòng vốn tín dụng.
Từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, tín dụng chỉ tăng 4,7%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% cùng kỳ năm 2022.
Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, mặt bằng lãi suất đã và đang giảm quay trở lại nền kinh tế trước khi thị trường tăng lãi suất như cùng kỳ năm ngoái. Trong môi trường lãi suất thấp sẽ giúp hỗ trợ kết quả kinh doanh các doanh nghiệp, cũng như kích thích dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán như đã được minh chứng trong các giai đoạn trước đó.
Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7 đạt hơn 150.000 tài khoản (cao nhất trong một năm). Các doanh nghiệp bluechips (công ty có giá trị vốn hóa lớn, dẫn đầu ngành và toàn thị trường chứng khoán, ảnh hưởng trực tiếp đến biến động giá cổ phiếu trên sàn giao dịch) sẽ được hưởng lợi lớn nhất nhờ yếu tố dòng tiền tham gia thị trường.
Ông Hoàng Huy, chuyên gia phân tích chiến lược của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Maybank (MSVN) cho rằng, việc giảm lãi suất đang cải thiện tâm lý thị trường và thu hút các nhà đầu tư mới.
Theo ông Đỗ Thanh Tùng, Phó phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền gửi nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tăng 10.000 - 20.000 tỷ đồng so với cuối quý II. Từ đó, thanh khoản bình quân phiên dự báo dao động trong khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng vào giai đoạn nửa cuối năm. VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 - 1.350 ở giai đoạn cuối năm.
Ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong tháng 7, thanh khoản trên sàn HOSE đạt trung bình 18.361 tỷ đồng/phiên, tăng cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 150.400 tài khoản chứng khoán trong tháng 7, tăng gần 5.000 tài khoản mở mới so với tháng trước. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7 cao nhất trong vòng 11 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái. Giá trị cho vay margin (vay ký quỹ) trong quý II cũng ghi nhận mức tăng gần 20% so với quý I.
Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất giảm cùng các chính sách hỗ trợ dày đặc của nhà điều hành đã giúp thị trường chứng khoán tăng điểm tích cực, qua đó thu hút được dòng tiền từ các nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhân trong nước vào thị trường.
Tốc độ tăng trưởng tiền gửi khu vực dân cư trong giai đoạn lãi suất cao 10/2022-3/2023 đạt trung bình mỗi tháng 1,82%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 0,69% trong 9 tháng năm 2022. Lượng tiền gửi tăng đột biến do lãi suất huy động cao là khoảng 400.000 tỷ đồng (thông thường có kỳ hạn 6 tháng-12 tháng). Do đó, với mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh từ mức đỉnh như hiện tại, ông Bách kỳ vọng thị trường chứng khoán có cơ hội thu hút được một phần lượng tiền gửi đáo hạn đi tìm cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên sẽ kích hoạt dòng tiền. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm giảm đi một cách đáng kể nên dòng tiền dịch chuyển sang các thị trường có khả năng sinh lời cao hơn. Việc thị trường bất động sản vẫn chưa ấm lên, khiến kênh chứng khoán trở nên “sáng cửa” hơn.
Nhận định về diễn biến chỉ số chứng khoán, ông Trần Xuân Bách, chuyên gia phân tích và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, tháng 8 là thời điểm thị trường tương đối thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mới, đồng thời tiềm ẩn một số rủi ro như mặt bằng định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của nhóm ngành phi tài chính (không tính nhóm bất động sản) cũng đã lên mức đỉnh nhiều năm, có thể tạo ra một số áp lực điều chỉnh ngắn cho thị trường; thông tin kết quả kinh doanh đã được thị trường hấp thụ.
Báo cáo soát xét của kiểm toán có thể khiến nhiều cổ phiếu bị loại ra khỏi danh sách được cho vay ký quỹ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến diễn biến thị trường; biến động đồng USD trên thị trường thế giới là yếu tố cần theo dõi, bởi diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá VND và từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ. Do đó, VN-Index có thể phải đối diện khả năng điều chỉnh trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, về trung-dài hạn, triển vọng thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cải thiện trong nửa sau 2023 và 2024 sẽ giúp đưa mức định giá thị trường trở về mức hấp dẫn; mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính; rủi ro của thị trường đã giảm thiểu rất nhiều so với năm 2022, là điểm tựa để kích hoạt dòng vốn vào thị trường.
“Tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu 1.300-1.350 trong trung hạn”, ông Bách nói.
Theo Văn Giáp/TTXVN