Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.
“Nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”
Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” do các vụ chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước(NHNN) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 10/5.
|
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. |
Tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã đưa ra một số dự báo về động thái của các ngân hàng trung ương trong thời gian tới.
Theo ông Lực, trong năm 2023, tỉ giá USD/VND về cơ bản sẽ giảm, tín dụng có thể tăng khoảng 13 - 14%. Đáng chú ý nợ xấu đã và đang tiếp tục tăng. Nợ xấu nội bảng dự báo tăng khoảng 2,5%. Tuy nhiên nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát do năng lực tài chính của các ngân hàng tại Việt Nam hiện vững hơn trước đây. Mặt khác, năm nay cung tiền dự báo được đẩy lên khoảng 10%, điều này rất tích cực cho nền kinh tế và doanh nghiệp.
Dự báo về những rủi ro, thách thức với kinh tế Việt Nam năm 2023, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng: Kinh tế thế giới suy thoái nhẹ; cục bộ thị trường xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, tăng chậm lại; du lịch quốc tế phục hồi chậm so với các nước; mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao; rủi ro thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế tăng tác động tiêu cực đến Việt Nam; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản… là những yếu tố bất lợi.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có những cơ hội, triển vọng như: Trung Quốc mở cửa trở lại; Giá cả, lạm phát toàn cầu giảm nhanh hơn so với các dự báo;
Chính phủ tung nhiều chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023; đầu tư công được đẩy mạnh; Tăng trưởng dịch vụ, tiêu dùng vẫn khả quan, dù có chậm hơn; Lạm phát tăng nhưng đang giảm dần, trong tầm kiểm soát; lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định và rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán và BĐS có dấu hiệu phục hồi; Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh...
Khuyến nghị về công tác ngân hàng, ông Lực cho rằng cần chuyển trạng thái từ chặt chẽ, thận trọng… sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”. Giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ, phải cân bằng lãi suất và tỉ giá. Nếu lãi suất tăng mạnh quá, doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được.
Linh hoạt điều hành
Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, trong các tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, bước đầu tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ xung đột Nga-Ukraine kéo dài, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh, lạm phát thế giới đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nước. Các NHTW trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng.
|
Phó thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại diễn đàn. |
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh trong điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân để khắc phục các khó khăn hướng tới các mục tiêu vĩ mô đặt ra.
Bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức hơn 8% tại Mỹ và hơn 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022. Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng.
Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, cần vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng với chi phí hợp lý để chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.
Thứ nhất, NHNN điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường tiền tệ. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, điều hành tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023; chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
PV