Do đâu cổ phiếu phân bón nổi sóng?

Google News

(Kiến Thức) - Các cổ phiếu ngành phân bón đồng loạt tăng trần trong phiên giao dịch gần đây, nguyên nhân gây sóng có thể đến từ kết quả kinh doanh tương sáng của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm.
 

Trong suốt phiên giao dịch 22/6, nhiều cổ phiếu của ông lớn ngành phân bón dậy sóng như DPM, DCM tăng trần và bùng nổ mạnh ngay từ đầu phiên, ngoài ra còn có BFC cũng kết phiên với giá cận trần ở mức 13.450 đồng/cp, tương ứng tăng 6,3% so với mức tham chiếu.

Cụ thể, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đã tăng từ 80% từ mức 5.000 đồng/cp lên 9.000 đồng/cp từ mức đáy tháng 4 cho đến hiện tại.

Cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 37% trong vòng 3 tháng qua. Còn tại CTCP Phân bón Bình Điền, cổ phiếu BFC cũng tăng 20% trong 1 quý qua.

Do dau co phieu phan bon noi song?
 Diễn biến tăng giá của cổ phiếu phân bón gần đây.

Tình hình kinh doanh khởi sắc

Diễn biến cổ phiếu nhóm phân bón nổi sóng phần nào được lý giải bởi những tín hiệu tốt trong hoạt động kinh doanh khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2020.

Với DCM, tổng doanh thu 5 tháng của Công ty đạt 2.693 tỷ đồng, thực hiện 34% kế hoạch năm, bất chấp khó khăn bởi dịch bệnh. Lợi nhuận trước thuế trên 200 tỷ đồng.

Sản lượng sản xuất urê quy đổi ước thực hiện 5 tháng đạt 394.000 tấn, đạt 49% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ 345.000 tấn, đạt 50% kế hoạch năm. Công ty tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác với sản lượng hàng tự doanh lũy kế 5 tháng ước đạt hơn 76.000 tấn, góp phần giảm tồn kho khi nguồn cung trong nước dư thừa.

Còn với DPM, Công ty ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 4.040 tỷ đồng và 425 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng lần lượt 14% và 4% cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận tăng đến từ việc giá dầu thấp, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng. Sản lượng tiêu thụ urê và NPK ước tính khoảng 400.000 tấn, tăng 53% cùng kỳ và 54.000 tấn, tăng 31%.

Năm nay, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch doanh thu 9.237 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ nhờ tăng công suất tại các nhà máy urê, NPK và NH3 so với 70 ngày đóng cửa của năm trước.

Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế cẩn trọng ở mức 513 tỷ đồng, tăng 10%. Kế hoạch này được giữ không đổi từ tháng 1, khi giá dầu ở mức khoảng 60 USD/thùng mặc dù hiện tại ở mức khoảng 40 - 45 USD/thùng.

Mặc dù COVID-19 có thể làm giảm xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp (do đó làm giảm nhu cầu phân bón), nhưng Đạm Phú Mỹ nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ đại dịch. Điều này xuất phát từ việc nhập khẩu phân bón giảm do hạn chế thông quan biên giới và giá dầu giảm do nhu cầu toàn cầu giảm.

Năm nay, các nhà sản xuất phân bón tiếp tục đề xuất với Quốc hội về việc thay đổi thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang chịu 5% thuế GTGT. Nếu được thông qua, doanh nghiệp phân bón có thể được hoàn 10% thuế GTGT cho giá vốn hàng bán, hỗ trợ tình hình tài chính của họ.

Do dau co phieu phan bon noi song?-Hinh-2
 Cổ phiếu phân bón tạo sóng thời gian gần đây.

Tại BFC, HĐQT Công ty dự kiến sản lượng tiêu thụ quý 2 đạt 191.345 tấn, mang về doanh thu 1.796 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng lên 52 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận quý 2/2020 chỉ bằng 42% cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế 6 tháng, tổng doanh thu ước tính 2.698 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 60 tỷ đồng, gấp 2,4 lần 6 tháng đầu năm 2019 nhưng giảm 66% so với cùng kỳ năm 2018. Với số liệu dự kiến, Công ty hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Cổ phiếu phân bón vẫn còn dư địa tăng trưởng nếu chính sách được khơi thông

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp phân bón đang chờ đợi sự thay đổi về chính sách để có thể giảm bớt khó khăn, nhất là câu chuyện sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Thực tế, trước năm 2015, phân bón là mặt hàng nằm trong diện chịu thuế GTGT 5%, sau đó việc sửa Luật đã chuyển mặt hàng này sang danh mục không chịu thuế. Ðiều này đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

Lý do bởi chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị và nhất là nguyên liệu đầu vào, đều đang chịu thuế VAT phổ biến ở mức 10%, cao hơn mức thuế GTGT 5%, nên khi khấu trừ thuế doanh nghiệp vẫn có lợi.

Khi chuyển sang không phải chịu thuế, mặc dù chi phí thuế đầu ra được giảm, nhưng chi phí thuế đầu vào lại không được khấu trừ khiến chi phí thuế tăng lên đáng kể, dẫn đến giảm lợi nhuận.

Trong khi đó, phân bón nhập khẩu được hưởng ưu đãi cắt giảm thuế từ những cam kết, hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, khiến giá thành giảm so với phân bón trong nước, tạo sự cạnh trạnh không lành mạnh.

Bất cập này đã được các doanh nghiệp phân bón nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý và đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 0% thay cho không chịu thuế, hoặc quay trở lại tỷ lệ 5% như trước đây.

Giả sử, khi áp dụng mức thuế 5%, với chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn (50-70% giá thành sản xuất), chỉ riêng việc tiết giảm thuế cũng sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện được biên lợi nhuận gộp từ 2-4% so với trước, cho dù giá  không đổi, tương ứng lợi nhuận có thể tăng từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, việc tiết kiệm chi phí còn giúp doanh nghiệp có thể hạ giá bán, tăng sức cạnh tranh với bón phân nhậu khẩu.

Thực tế, từ tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo Luật sau đó đã quy định mức thuế cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng do còn một số vướng mắc.

Trong bối cảnh khó khăn của ngành, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT được kỳ vọng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm nay để có thể sớm hỗ trợ, tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón nội địa.

Anh Nhi