Đồng loạt giảm giá thuê
Từ sau Tết, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Theo các đơn vị, với mức giá thuê mặt bằng như hiện nay, họ đều thua lỗ, đứng trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt. Trước trình trạng đó, nhiều đơn vị cho thuê đã đồng hành cùng doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Đức Tuấn, chủ một chuỗi đồ ăn tại Hà Nội, cho hay, chủ nhà cho thuê của anh vừa thông báo giảm giá 3 tháng tiền thuê nhà. Với mức hỗ trợ này, anh Tuấn đã tiết kiệm chi phí lên tới 210 triệu đồng. Anh đang thuê một căn mặt tiền tại quận Đống Đa để mở hàng ăn uống với mức giá 70 triệu đồng/tháng.
“Đây là một hành động thiết thực trong bối cảnh này”, anh Tuấn chia sẻ. Theo anh Tuấn, nếu không có sự hỗ trợ từ phía chủ nhà, anh sẽ đóng cửa một số quán có nguồn doanh thu không hiệu quả trong thời gian tới. Chủ nhà còn nhắn nhủ tôi đừng băn khoăn, tập trung lo quán vững qua mùa dịch, còn sống sót thì còn tính toán đường dài với nhau.
Tương tự, chị Thu Hải, chủ một shop kinh doanh, thời gian cũng nhận được tin hỗ trợ tiền thuê nhà của phía cho thuê sau khi đàm phán. Theo hợp đồng, sau ba năm, mức giá thuê sẽ tăng lên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chủ nhà chấp nhận giữ nguyên mức giá thuê cho khách tới hết 2020.
“Chỉ cần tăng 20 triệu đồng là chúng tôi không biết xoay sở như thế nào. Dù trong hợp đồng sau 1 năm sẽ tăng giá nhưng chủ nhà vẫn rất vui vẻ hỗ trợ khách thuê”, chị cho hay.
|
Ảnh minh họa. |
Không chỉ phía chủ nhà mà các doanh nghiệp lớn cũng giảm giá thuê mặt bằng cho khách hàng. Công ty vận hành một chuỗi thương mại vừa công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống.
Tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng của các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định.
Theo đó, mặt bằng cho thuê tại các tỉnh/thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, các tỉnh gần biên giới có mức độ ảnh hưởng lớn nhất, tiếp theo là hai đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác.
Khu vực phía Nam, một doanh nghiệp khác quyết định giảm tới 40% giá thuê mặt bằng. Đơn vị này sẽ xem xét từng trường hợp để quyết định mức giảm tốt nhất trong khoảng từ 20-40%, thậm chí có thể giảm nhiều hơn. Đồng thời, thời gian hỗ trợ cũng sẽ linh động tùy thuộc vào diễn biến của dịch.
“Tôi nghĩ đây là một việc nhỏ nhưng mong rằng chúng ta cùng hiểu để chia sẻ. Đã đến lúc giá thuê mặt bằng phải được giảm xuống, chúng ta phải lùi lại một bước để tiến lên nhanh hơn. Nếu ai cũng tạo lợi nhuận cho mình bằng chính khó khăn của người khác thì xã hội sẽ thiệt hại nhiều hơn nữa”, đại diện đơn vị cho hay.
Mô hình chia sẻ doanh thu
Không chỉ cho thuê mức giá cố định, nhiều đơn vị còn chuyển hướng sang hình thức chia sẻ theo doanh thu của khách hàng. Thực tế, hình thức giá thuê chia sẻ theo doanh thu đang trở nên hấp dẫn với nhiều khách thuê, đặc biệt là các nhà bán lẻ muốn mở thêm cửa hàng tại một trung tâm thương mại mới. Do đó, hình thức này tạo điều kiện cho chủ đầu tư chia sẻ một phần rủi ro vận hành với khách thuê.
Chia sẻ doanh thu là mô hình tiên tiến được áp dụng tại nhiều nước, nhưng ở Việt Nam, hình thức này đã được ông lớn Nhật Bản Aeon áp dụng tại Aeon Mall Long Biên - trung tâm thương mại mở cửa trong quý 4/2015 tại Hà Nội. Tương tự, Parkson, thành viên của tập đoàn Lion tại Malaysia, cũng đã áp dụng tại các trung tâm mua sắm của mình.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý cấp cao của CBRE Việt Nam, cho biết, khách thuê chủ chốt ngành hàng thời trang thường là những tên tuổi quốc tế nổi tiếng và được giới trẻ săn đón, có thể tạo lượng khách ghé mua đều đặn cả những ngày thường.
Chính vì vậy, các chủ toà nhà thường có những chương trình chia sẻ doanh thu và giá thuê ưu đãi cho những khách thuê chủ chốt này. Xu hướng này sẽ được nhân rộng hơn vì nó mang lại nhiều giá trị khác cho dự án thương mại bên cạnh doanh thu từ việc cho thuê đơn thuần.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, trong 3 năm tới, thị trường bất động sản bán lẻ TP.HCM sẽ đón thêm 400.000 m2 diện tích bán lẻ và hầu hết tại khu ngoài trung tâm.
Còn JLL nhận định, thời gian tới, giá thuê được sẽ đi ngang hoặc vẫn sẽ tăng, tuy không nhiều, nhờ ảnh hưởng tích cực của tình hình kinh tế hiện tại lên nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng.
Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội đón nhận một lượng nguồn cung lớn vào quí IV/2019 và 2020. Trong tình hình thị trường ngày càng cạnh tranh, các chủ đầu tư sẽ càng phải chịu sức ép lớn hơn trong việc thu hút khách thuê. Chính vì thế, việc chia sẻ với khách thuê, nhất là trong những thời điểm khó khăn chính là cách làm để gắn kết lâu dài và cả 2 bên cùng hướng đến hiệu quả.
Theo Duy Anh / Vietnamnet