Một con phố nhỏ 10 cửa hàng trà sữa
“Không biết có gì ngon không mà sao mở lắm hàng trà sữa thế, đi đâu cũng thấy bọn trẻ xếp hàng mua trà sữa”, là thắc mắc của bà Nguyễn Thị Ngoan (Ba Đình, Hà Nội). Theo quan sát của bà Ngoan, trên con phố bà đang sinh sống, riêng ngày hôm qua đã có tới 2 cửa hàng trà sữa khai trương, nâng tổng số cửa hàng trà sữa tại đây lên gần 10 cửa hàng.
Mỗi cửa hàng một phong cách riêng với các tên gọi như tea, milk, cha,... Với những người cao tuổi như bà Ngoan, việc các cửa hàng trà sữa đua nhau mở khiến bà tò mò.
|
Đua nhau mở kinh doanh trà sữa. |
Từ những thắc mắc của bà Ngoan, phóng viên có cuộc khảo sát tại các tuyến phố của Hà Nội. Một điều dễ nhận thấy, kinh doanh trà sữa đang khá rầm rộ. Các thương hiệu na ná nhau lần lượt ra đời, với các cửa hàng phong cách thời thượng đua nhau mọc lên trên các con phố.
Đơn cử, phố Ô Chợ Dừa dù rất ngắn nhưng cũng có tới hàng chục quán trà sữa khác nhau. Tại phố Thái Hà, một thương hiệu trà sữa khai trương rầm rộ, ngay cạch đó 4 cửa hàng trà sữa khác đã hoạt động từ lâu.
Cũng trong một ngày, tại Hồ Đắc Di, một cửa hàng trà sữa nữa ra đời. Cách đó không xa, phố Phạm Ngọc Thạch, một cửa hàng đang trong giai đoạn hoàn thành, để chuẩn bị khai trương.
Tất cả các tuyến phố lớn, hầu như đâu đâu cũng có ít nhất vài quán trà sữa. Hà Nội đang có khoảng trên 20 thương hiệu trà sữa, từ chuỗi có hàng chục cửa hàng tới những chuỗi chỉ vài ba cửa hàng, có thể kể tới Chatime, CoCo, Toco Toco, Gong Cha, Bobapop, Chago, Goky, Chevi,...
Nhiều người tò mò rằng, “Hà Nội đâu đâu cũng có trà sữa”. Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường, người Hà Nội quan tâm tới trà sữa nhiều hơn, có tới 73% số người được hỏi đều nhận biết trà sữa, tỷ lệ nhận biết cao hơn ở những người trả lời trong độ tuổi từ 30-39 tuổi và các người trả lời ở TP.HCM.
Điều này không quá ngạc nhiên khi có tới 53% số người được hỏi uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng lại có 8 cửa hàng được mở thêm. Lý do uống trà sữa của đại đa số khách hàng là ngon, thư giãn và dành cho tuổi trẻ
Sớm nở chóng tàn?
Không phải tới nay, trà sữa mới nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Cách đây gần 15 năm, trà sữa đã từng tạo nên một cơn sốt, với sự phát triển chóng mặt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Như một sở thích nhất thời của giới trẻ, nhiều cửa hàng trà sữa thời đó đã đóng cửa, dẹp tiệm.
Khoảng hai năm trở lại đây, trà sữa đã quay trở lại. Quá nhiều quán trà sữa mọc lên với đủ loại thương hiệu khác nhau và phần lớn đều quảng cáo nguồn gốc từ Đài Loan. Khác với làn sóng trà sữa các năm trước, năm nay chứng kiến sự nở rộ mạnh mẽ tại các tỉnh ngoài khu vực Hà Nội, đặc biệt ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh và Phú Thọ.
|
Cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu. |
Khi thị trường trà sữa phát triển, tất nhiên, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn. Đồng nghĩa với việc, cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu là rất lớn.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, quản lý một thương hiệu trà sữa chia sẻ, nhìn bên ngoài hào nhoáng, số lượng người mua đông, cửa hàng mở khắp nơi nhưng thực tế kinh doanh trà sữa không hề đơn giản. Người tiêu dùng có thói quen chuộng các thương hiệu nên những cửa hàng mới mở khó có thể cạnh tranh được.
Trong khi đó, mức giá khá cao, trung bình từ 30-50 nghìn đồng/cốc, trà sữa không dành cho đại bộ phận người dân. Bên cạnh đó, tìm được mặt bằng đẹp và chất lượng trà sữa luôn là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp. Chỉ cần một sự cố có thể khiến người tiêu dùng quay lưng lại với các cửa hàng trà sữa.
Nhiều thương hiệu đình đám cũng đã từng phải đối mặt với vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước đây, nhiều trào lưu kinh doanh đồ ăn Hàn Quốc, Thái Lan,... đã từng đóng cửa. Với tâm lý ưa thích sự độc, mới, lạ khi trào lưu món này tạm lắng sẽ có những món ăn mới nhanh chóng lên ngôi.
Trước sự bùng nổ của trà sữa như hiện nay, ông Nam cho hay, cứ nghĩ rằng mở ra là sẽ có khách thì việc thất bại và đóng cửa cũng chỉ là việc sớm muộn.
Theo Duy Anh/Zing