Ngày 28/2/2017, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air – Mã CK: VJC) chính thức lên Sàn Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá chào sàn là 90.000 đồng/cổ phiếu.
Ngay từ đầu phiên chào sàn, lực cầu mãnh mẽ đã khiến cổ phiếu VJC tăng trần hết biên độ +/-20%. Chốt phiên ngày 28/2, cổ phiếu VJC đóng cửa ở giá 108.000 đồng/cổ phiếu, tăng kịch trần 20%. Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong ngày chào sàn là 12.030 đơn vị cổ phiếu.
Sang các phiên giao dịch ngày 1/3 và 2/3, cổ phiếu VJC tiếp tục tăng trần. Chốt phiên ngày 1/3, cổ phiếu VJC tăng trần lên 115.500 đồng (tăng 6,9%). Tổng khối lượng khớp lệnh thành công tăng lên mức 99.100 đơn vị.
|
Ảnh: Internet. |
Chốt phiên ngày 2/3, cổ phiếu VJC tăng trần lên mức 123.500 đồng (tăng 6,9%). Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch thành công tăng vọt lên 190.550 đơn vị.
Tới ngày 3/3, chốt phiên giao dịch buổi sáng, cổ phiếu Vietjet Air tuy đã không còn giữ vững được đà tăng trần, song giá vẫn tăng mạnh so với phiên trước đó. Hiện cổ phiếu VJC chốt ở mức giá 131.700 đồng (tăng 6,6%). Tổng khối lượng giao dịch thành công trong phiên sáng 3/3 tăng với mức độ chóng mặt, lên 2.034.060 đơn vị, cao gấp hơn 10 lần khối lượng giao dịch của cả phiên ngày 2/3.
Phần đa các báo cáo của các công ty chứng khoán đều cho rằng, nguyên nhân cổ phiếu VJC tăng giá đến từ cơ cấu cổ đông khá tập trung của hãng và tâm lý thị trường đối với cổ phiếu là tích cực.
Kết quả kinh doanh tốt cũng khiến cổ phiếu VJC tăng mạnh. Năm 2016, doanh thu của đơn vị đạt hơn 27.530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2.400 tỷ đồng. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) đạt 8.762 đồng/cổ phiếu.
Năm 2017, hãng hàng không này dự kiến doanh thu 42.018 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế tăng lên 3.395 tỷ và tỷ lệ cổ tức 50%.
Theo nhận định công ty chứng khoán Bảo Việt và SSI, mức giá VJC có thể cán mốc 150.000 đồng/cổ phiếu.
Cụ thể, theo bản phân tích đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VJC theo đuổi mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ có ưu thế vượt trội hơn mô hình hàng không truyền thống trong điều kiện tiếp cận thị trường hàng không nội địa của Việt Nam. Mô hình này sẽ được phát triển rộng rãi với nhu cầu di chuyển nội địa không ngừng tăng trưởng nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh và ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, BVSC đưa ra mức giá kỳ vọng đối với cổ phiếu VJC là 143.400 đồng/cổ phần, cao hơn 29% so với giá chào sàn của cổ phiếu này. Tại mức giá này, P/E (hệ số gía trên thu nhập) của VJC là 12,48 lần, là mức tương đương so với P/E bình quần của các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới.
Tuy nhiên, Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) lại cho rằng mức giá hiện tại đã cao hơn mức giá hợp lý theo ước tính của HSC là 101.390 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu đã phản ánh hết giá trị và nhà đầu tư nên xem xét chốt lời trong những phiên tới.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) bình luận trên CafeF, vị này lại đưa ra một mức giá kỳ vọng cao hơn nữa cho VJC, đó là 150.000 đồng.
Theo chuyên gia này, thị trường chắc chắn sẽ rất ưa thích hãng Hàng không tư nhân 4 năm tuổi nhưng chiếm đến 43,1% thị phần nội địa, vượt qua hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (HVN) với số lượng máy bay chỉ bằng 45% so với HVN nhờ hàng loạt chiến dịch marketing tích cực đánh vào tầng lớp khách hàng: “chưa từng đi máy bay” và hành khách từ phương tiện truyền thống là xe lửa, xe đò và tàu thuỷ nhờ lợi thế về tốc độ và tiết kiệm thời gian.
Ông Thạch cũng cho rằng với con số lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2016 của Vietjet 8.726 đồng/cp thì với mức giá ngày đầu chào sàn 90.000 đồng/cp, hãng hàng không bikini đang có PE quanh mức 10,3 lần, thấp hơn Vietnam Airline và thấp hơn trung bình ngành hàng không giá rẻ (Virgin Australia, SpiceJet, Norwegian và Ryan Air).
Còn theo phân tích đánh giá của Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC), công ty này lại đi ngược dòng, đưa ra mức giá rất khiêm tốn, chỉ 100.000 đồng/cổ phiếu. HSC cho rằng năm 2017, Vietjet ước đạt lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), ước tính P/E là 10,6 lần trên giá tham chiếu niêm yết là 88.800đ/cp.
Công ty HSC nhận thấy một số động lực hỗ trợ giá cổ phiếu như:
Thứ nhất, Vietjet là hãng hàng không giá rẻ hàng đầu tại Việt Nam trong khi đó ngành hàng không của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng dài hạn với dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình của lượng hành khách là 14%/năm;
Thứ hai, công tác quản lý chi phí hiệu quả - CASK ex fuel của Vietjet thấp hơn 16% so với mức bình quân của các hãng hàng không tại Châu Á;
Thứ 3, tiềm năng lớn cho cải thiện doanh thu phụ trợ trên mỗi hành khách – doanh thu phụ trợ trên mỗi hành khách của Vietjet chỉ tương đương 30% mức bình quân của các hãng hàng không thế giới;
Thứ 4, kế hoạch mở rộng mạnh –Vietjet dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất trong 3 năm tới.
Tuy nhiên, HSC cũng lưu ý rằng Vietjet sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự gia tăng của giá nhiên liệu. Công ty chứng khoán này dự báo giá dầu WTI sẽ tăng lên mức bình quân 60USD/thùng trong năm nay. Hơn nữa, chi phí cất hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa có thể tăng thêm 43% trong năm 2017.
Minh Hiếu