Bầu Đức và mối lo cho HAGL và HAGL Agrico
Trong một số quý vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) của bầu Đức đã cơ cấu lại nhiều khoản nợ để giảm đáng kể dư nợ trên báo cáo tài chính.
Đến cuối tháng 6, nợ phải trả của HAGL gần 24.340 tỷ đồng và tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng các khoản vay chiếm trên 17.870 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay dài hạn ngân hàng, tổ chức, cá nhân và trái phiếu trong nước.
Nếu loại trừ trái phiếu thì chủ nợ lớn nhất của HAGL là CTCP Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi – đơn vị thành viên thuộc sở hữu của ông Trần Bá Dương. HAGL đang vay ngắn và dài hạn xấp xỉ 2.750 tỷ đồng từ công ty này.
Đối với chủ nợ là Ô tô Trường Hải (Thaco), HAGL đã tất toán toàn bộ khoản vay ngắn hạn gần 900 tỷ trong nửa đầu năm nhưng lại phát sinh nợ dài hạn mới gần 1.770 tỷ đồng.
Còn với CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG), tại thời điểm cuối quý 2, nợ phải trả của HNG vẫn ở mức cao khi tăng thêm 2.625 tỷ, lên 16.167 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn giảm xuống 4.252 tỷ từ mức 4.655; còn vay nợ tài chính dài hạn lại tăng lên gần gấp đôi lên 8.128 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, HNG đang vay ngắn hạn gần 600 tỷ tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và 240 tỷ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ngoài ra, HNG còn vay ngắn hạn CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) số tiền gần 37 tỷ, vay tại CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông Nghiệp Thadi (Thadi) đến 536 tỷ,...
Còn vay dài hạn, lớn nhất là tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) số tiền 1.693 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) là 810 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Lào Việt - chi nhánh Attapeu 788 tỷ, Sacombank 512 tỷ, TPBank 75 tỷ. Đồng thời, vay 2.263 tỷ của HAG, vay 2.186 tỷ của Thadi, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) 1.769 tỷ...
Mới đây nhất, HAGL Agrico đã có động thái huy động 200 tỷ đồng trái phiếu chi cho các chương trình, dự án đầu tư. Đây là trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có lãi suất cố định.
|
Bầu Đức và bà Nguyễn Thị Như Loan. |
Bà Nguyễn Thị Như Loan và mối lo cho Quốc Cường Gia Lai
Cùng với dòng tiền hoạt động kinh doanh âm, lợi nhuận sụt giảm, hàng tồn kho tăng thì Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan còn đối mặt với gánh nặng vay nợ khá lớn.
Nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai tại ngày 30/6 vẫn ở mức cao chiếm gần 6.405 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó hơn 6.009 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, Công ty đang mượn tiền các bên liên quan tổng cộng hơn 1.200 tỷ.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan là cá nhân đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn nhiều tiền nhất với 149 tỷ đồng. Bên cạnh đó, con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cũng cho công ty mượn 16 tỷ đồng.
Một lãnh đạo khác của doanh nghiệp là ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc cùng con gái cũng đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn 95 tỷ đồng. Ngoài ra, một cổ đông của doanh nghiệp phố núi cho công ty này mượn tới 137 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quốc Cường Gia Lai còn đang mượn tổng cộng hơn 800 tỷ đồng của các công ty có liên quan.
Để giải quyết cho khó khăn về vay nợ và dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản phố núi liên tục chuyển nhượng vốn góp tại một số dự án cho đối tác. Đầu tháng 6, Quốc Cường Gia Lai công bố thông tin thoái 35% vốn tại Công ty Bất động sản Sông Mã cho một cá nhân, thu về 122 tỷ đồng. Đây là pháp nhân sở hữu quỹ đất dự án Phước Lộc - Nhà Bè, TP.HCM.
Cũng trong tháng 6, LDG Group cho biết đã mua lại 99,9% cổ phần Công ty Bất động sản Hiệp Phúc. Đây là công ty con thuộc sở hữu của Quốc Cường Gia Lai trước đó, nắm giữ quỹ đất dự án căn hộ cao tầng nằm ven sông Sài Gòn trên tục Quốc lộ 13 thuộc quận Thủ Đức, TP.HCM.
Bên cạnh việc đau đầu với khoản nợ khổng lồ, Quốc Cường Gia Lai vẫn còn khoản phải trả là tiền đã nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển gần 2.883 tỷ đồng. Đây là dự án mà Công ty bị trì trệ trong vòng nhiều năm qua khiến hoạt động kinh doanh giảm sút.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch QCG đã rơi nước mắt khi nhắc đến dự án này. Bà Loan cho biết Công ty đã hoàn thành được 5 trên 7 bước của dự án Phước Kiển. Công ty trúng thầu vào năm 2015 và được chấp thuận đầu tư có thời hạn 3 năm từ năm 2017, đến tháng 8 năm nay đã hết hạn.
“Không biết đi về đâu với dự án này” – Chủ tịch QCG trăn trở.
Tất cả hồ sơ cho dự án đều có đủ và đối tác cũng góp đủ vốn. Tuy vậy, vướng mắc là sở Tài nguyên Môi trường không giao đất nên phải chờ quyết định của các cấp. Do vậy, dù dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng không giao đất được.
Bất cập này không phải lỗi của doanh nghiệp nhưng cũng không biết kêu ai. Bởi vì đó là dòng tiền huyết mạch của gia đình và của cổ đông, Chủ tịch cũng khổ tâm với đối tác và cả ngân hàng. Không giao đất được thì không thể triển khai dự án.
Anh Nhi