Nội lực các doanh nghiệp “yếu dần” vì dịch
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trải qua 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, việc sản xuất đang trở nên rất khó khăn, nội lực các doanh nghiệp yếu dần, và gần 50% số doanh nghiệp thuộc VASI bị sụt giảm doanh thu dù vẫn có thể duy trì sản xuất.
Nhất là khi dịch đang bùng phát, diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp ở Việt Nam khiến cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất.
Tuần qua, Samsung Electronics đã phải tạm dừng sản xuất 3/16 phân xưởng ở TP.HCM, giảm hơn một nửa số nhân công từ 7.000 xuống 3.000 người theo quyết định và khuyến cáo của Bộ Y tế.
|
Ảnh minh họa. |
Tương tự, hoạt động sản xuất của Hyundai Thành Công cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do sự thiếu hụt nguồn cung chip xử lý trên thị trường, doanh nghiệp này dự kiến phải cắt giảm 20% công suất và nhiều nguy cơ phải tiếp tục cắt giảm nếu thiếu chip.
Theo Hyundai Thành Công, hầu hết các mẫu xe đều bị ảnh hưởng. Hậu quả là Công ty vừa thiếu hàng để bán ra thị trường vừa bị tồn kho lớn do các linh kiện khác nhập về không đưa được vào sản xuất.
Bên cạnh đó, những quy định phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất cũng đang tạo áp lực đến một số doanh nghiệp vốn nước ngoài ở TP.HCM.
Đơn cử, hãng gia công giầy Pouyen của Đài Loan (Trung Quốc) đã phải đóng cửa trong 10 ngày kể từ ngày 15/7, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng các đơn hàng của Nike và Adidas. Hơn nửa triệu công nhân, gồm luôn 56.000 lao động của Pouyen nằm trong số 200 nhà thầu phụ của Nike tại Việt Nam bị ảnh hưởng, gián đoạn sản xuất.
Ông Lương Cường - Giám đốc về phát triển bền vững của Nike chia sẻ với phóng viên rằng, Nike đã phải làm việc với các nhà cung ứng về các quy định phòng dịch, bao gồm bảo đảm đúng thời gian và giữ kênh liên lạc tốt nhất với công nhân để giúp tất cả bớt căng thẳng và lo lắng giữa tình trạng bất định.
Nike cũng đang gấp rút vận chuyển các lô giày thể thao đã hoàn tất bằng đường hàng không từ Việt Nam đi Mỹ và châu Âu giữa lúc cuộc khủng hoảng giá cước tàu biển vẫn chưa dịu xuống.
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề; trong đó 70% số doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất trong thời gian các địa phương giãn cách xã hội nghiêm ngặt, 30% doanh nghiệp còn lại chỉ sản xuất cầm chừng.
Doanh nghiệp may mặc hầu như không hoạt động được do không đáp ứng được yêu cầu giãn cách, “3 tại chỗ;” trong khi đó các doanh nghiệp bán lẻ cũng bị tác động bởi việc kiểm soát hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Các chuyên gia dự báo, việc phòng chống dịch nghiêm ngặt có thể gây ra những “đứt gãy” rối loạn sản xuất trong nước cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ với báo chí, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc ITPC, cho biết năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn đối với TP.HCM nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên với những nỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài, nguồn vốn FDI vào TTP.HCM vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư trên cả nước ) với gần 49 tỷ USD.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là một trong những yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng đối với TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% vào GDP và hơn 26% vào ngân sách quốc gia.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Thực tế, trước những khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp cho những vấn đề lớn có tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp, được các doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã thống nhất đưa ra các hướng dẫn, khuyến nghị với các doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Để vừa tiến hành hoạt động sản xuất vừa đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, các doanh nghiệp cần đạt một số yêu cầu. Cụ thể, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 phải ở mức thấp theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG; Doanh nghiệp không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế.
Nếu doanh nghiệp bố trí người lao động đi làm, phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và bố trí khu vực làm việc riêng biệt. Doanh nghiệp cần bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc, đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT. Người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.
Địa phương đang thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi ở và nơi làm việc, người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương.
Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách mà doanh nghiệp cần phải bố trí người lao động lưu trú tập trung tại nhà máy hoặc lưu trú tập trung do doanh nghiệp tổ chức để phòng dịch, thì người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi vào nơi lưu trú tập trung. Trong thời gian ở khu lưu trú tập trung của doanh nghiệp, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, người lao động có thể phải tiếp tục được xét nghiệm.
Doanh nghiệp phải phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đảm bảo đủ xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại doanh nghiệp. Lập danh sách thông tin người lao động và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hằng ngày (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách khác theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách của địa phương quy định và các quy định pháp luật hiện hành.
Khánh Hoài