Nền kinh tế non trẻ Myanmar vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, ngành công nghiệp may mặc và du lịch, thế nhưng đến nay cũng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết trước sức ép của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo Myanmar Economic Monitor, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, năm 2020 tăng trưởng kinh tế của Myanmar chỉ đạt 1,7%, giảm mạnh so với mức 6,8% của năm 2019. Đại dịch COVID-19 và các biện pháp đóng cửa đã tác động mạnh đến tiêu dùng và đầu tư, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh, lao động và sản xuất.
|
Nhiều sản phẩm của người dân được bày bán ở khu chợ Bogyoke Aung San nổi tiếng ở Myanmar. (Ảnh internet). |
Nền kinh tế của Myanmar còn đang gánh chịu sự khủng hoảng nặng nề hơn trước sự tác động của cuộc đảo chính quân sự xảy ra hôm 1/2. Cuộc đảo chính này như dáng thêm một đòn vào nền kinh tế Myanmar khiến nhiều nhà đầu tư kinh doanh trị giá nhiều tỷ USD nước ngoài phải “sốc”, trong đó có các Công ty Việt Nam làm ăn tại Myanmar.
Được biết, thời điểm năm 2019, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar, tổng vốn đăng ký trên 2,16 tỷ USD với 25 dự án. Tại mốc thời gian này có hơn 200 Tập đoàn, Công ty quốc doanh lẫn tư nhân Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tên tuổi phải kể đến như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hãng hàng không Vietnam Airlines, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngân hàng BIDV, ngân hàng SHB, hãng xe Thaco Trường Hải, hãng gọi xe công nghệ FastGo…
Ngoại trừ FastGo gặp khó khăn do ít vốn, các Tập đoàn còn lại của Việt Nam dường như từng ăn nên làm ra từ 2019 trở về trước tại Myanmar, nổi bật là Viettel, Hoàng Anh Gia Lai và BIDV.
Cụ thể, chi nhánh BIDV Yangon chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, là ngân hàng Việt Nam đầu tiên cung cấp đa dạng các sản phẩm ngân hàng cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar. Đến cuối tháng 5/2019, BIDV Yangon có tổng tài sản hơn 130 triệu USD, huy động không kỳ hạn đạt 46,5 triệu USD, dư nợ bình quân đạt 20 triệu USD, lượng khách hàng chi nhánh là doanh nghiệp cũng đã tăng 27% so với cuối năm 2018.
|
Bên trong trung tâm thương mại Myanmar Plaza. |
Tương tự, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư khu phức hợp Myanmar Plaza trị giá 440 triệu USD, cho thuê 32.000m2, hiện 98% mặt bằng đã cho thuê. Trung tâm thương mại Myanmar Plaza thu hút 20.000 người đến mua sắm/ngày.
Trong khi đó, Viettel đặt chân chân đầu tiên vào thị trường Myanmar bằng giấy phép thành lập liên doanh Mytel vào năm 2016. Chỉ sau 8 tháng, Mytel đã đạt gần 5,2 triệu thuê bao di động, vươn lên chiếm 14% thị phần viễn thông và đứng thứ 3 trên thị trường.
Myanmar là thị trường quốc tế thứ 10 của Tập đoàn Viettel và cũng là thị trường có quy mô dân số lớn nhất, được đầu tư lớn nhất. Thời điểm khai trương, Mytel có hạ tầng cáp quang chiếm 50% tổng số cáp quang tại Myanmar (36.000km). Đây cũng là nhà mạng di động đầu tiên phủ sóng 4G toàn quốc và cũng là Công ty đầu tiên áp dụng cách tính cước theo block 1 giây.
Về mặt công nghệ, Mytel là nhà mạng đầu tiên tại Myanmar cung cấp dịch vụ VoLTE, eSIM, giới thiệu 5G tại Myanmar. Đến nay, 75% khách hàng của Mytel sử dụng 4G (cao nhất trong số các thị trường Viettel đầu tư).
Tuy nhiên, đứng trước cuộc đảo chính nổ ra tại Myanmar hiện vẫn chưa có tin tức gì về kết quả kinh doanh của các Tập đoàn trên ở đất nước này, nhưng nhiều ý kiến dư luận cho rằng chắc chắn khó khăn mà các doanh nghiệp đối mặt sẽ là không ít.