Tổng Công ty hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2021. Cụ thể doanh thu quý cuối năm của Vietnam Airlines tăng thêm 1.000 tỷ so với cùng kỳ lên mức hơn 9.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên hoạt động chung vẫn rất khó khăn khi kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp bị âm 1.100 tỷ đồng (cải thiện so với con số âm gần 2.100 tỷ của cùng kỳ).
Các điểm sáng khác là doanh thu tài chính của Vietnam Airlines tăng đáng kể 5 lần lên gần 750 tỷ, đồng thời chi phí bán hàng giảm mạnh 45% còn gần 250 tỷ và lợi nhuận khác tăng 35% lên 460 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại chi phí tài chính tăng 10% lên 312 tỷ, phần lỗ từ các liên doanh cao gấp đôi cùng kỳ ở mức 123 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 12% lên 493 tỷ đồng.
Với các biến động trên, Vietnam Airlines tiếp tục ghi lỗ trước thuế ở mức 1.076 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã giảm rất đáng kể so với mức lỗ 2.810 tỷ của cùng quý cuối năm 2020.
|
Ảnh minh họa. |
Kết thúc năm 2021, Vietnam Airlines đạt doanh thu 27.911 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020 và xuống ngang bằng mức doanh thu của năm 2007; lỗ sau thuế lên đến 13.337 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020.
Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm gần 2.000 tỷ (cùng kỳ dương 3.352 tỷ đồng) nhưng lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính lại bật lên đến gần 8.746 tỷ đồng (cùng kỳ 1.798 tỷ đồng).
Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines tổ chức hồi tháng 7/2021, đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.364 tỷ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ. Như vậy kết thúc năm tài chính 2021, Vietnam Airlines đã thực hiện được gần 75% mục tiêu doanh thu đề ra, và giảm số lỗ xuống thấp hơn mức dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.
Với kết quả này, tính đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines chạm ngưỡng khoản lỗ lũy kế gần 22.000 tỷ đồng (tương ứng gần 1 tỷ USD), “ăn mòn” gần hết vốn góp của chủ sở hữu.
Việc vốn chủ sở hữu vẫn còn là con số dương hơn 500 tỷ đồng là nhờ hãng bay này được Quốc hội thông qua gói giải cứu lớn.
Cụ thể, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng). Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Cuối tháng 11/2020, Quốc hội đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines với việc cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho Hãng hàng không quốc gia được vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay trước 31/12/2021, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong 3 năm. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.
Đến tháng 9/2021, Vietnam Airlines đã thực hiện đợt tăng vốn 7.961 tỷ đồng, riêng SCIC nộp tiền mua cổ phần khoảng 6.880 tỷ đồng.
Sau phương án trên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 14.374 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với đầu năm, vay dài hạn 20.424 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ so với đầu năm 2021.
Khánh Hoài (T/H)