Bỏ sắn để trồng đào
Những ngày Tết Nguyên đán, ngoài những nụ đào đang "cựa mình" lan tỏa hương sắc trong không gian gia đình người dân làng Nhà Nít (ở xã Thanh Đình, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), chúng tôi cảm nhận được sự náo nhiệt, nhộn nhịp vui tươi cùng nụ cười thường trực trên những khuôn mặt chất phác nơi đây.
Nhiều năm nay, nhờ trồng đào mà kinh tế của người dân làng Nhà Nít cũng từng bước được nâng lên. Cũng chính bởi cuộc sống được cải thiện từ cây đào, mà người dân làng Nhà Nít gọi cây đào với tên gọi đầy thân thương và sự biết ơn là "cây gọi Tết".
|
Sở dĩ người dân làng Nhà Nít gọi đào với tên gọi đầy thân thương "cây gọi Tết" bởi hễ đào chuẩn bị thay lá là Tết đang đến rất gần và khi Tết đến thì thu nhập của người dân cũng tăng lên nhờ việc bán đào. |
Sinh ra và lớn lên ở làng đào Nhà Nít, anh Hoàng Xuân Lương (38 tuổi) rõ hơn ai hết về "sự tích" của đào cũng như cách chăm sóc để những thế đào đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Lương cho biết, vào những năm 80 của thế kỷ trước, một số hộ dân ở làng Nhà Nít bắt đầu trồng đào. Mục đích ban đầu cũng chỉ là phục vụ ngày Tết và cây ăn quả của gia đình. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, nhu cầu dùng đào làm cây cảnh trưng bày trong ngày Tết ngày càng cao và mang lại giá trị kinh tế, các hộ dân ở làng Nhà Nít bắt đầu chuyển đổi cây trồng, từ ngô, khoai, sắn sang… trồng đào.
|
Nhờ những giá trị kinh tế mang lại, người dân làng đào Nhà Nít gọi cây đào với tên gọi đầy thân thương và sự biết ơn là "cây gọi Tết". (Ảnh: "Cây gọi Tết" trưng bày tại tư gia anh Hoàng Xuân Lương). |
Anh Lương cho hay: "Nhà tôi có 5 sào đất vườn trồng sắn nhưng cách đây khoảng 10 năm, do thu nhập từ việc trồng sắn rất thấp nên tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng sắn sang trồng đào. Từ một vài chục cây ban đầu, bây giờ, mỗi năm, tôi vừa bán vừa cho thuê khoảng 500 gốc đào".
Theo anh Lương, những gốc đào được chăm sóc, tạo thế đẹp sẽ có giá bán từ 5 – 12 triệu đồng/gốc. Mặc dù giá tiền nào cũng có đào để trưng bày nhưng với những thế đào đẹp, tốn nhiều công chăm sóc và tạo thế, thì giá trị cho thuê, bán luôn cao gấp từ 3 – 4 lần. Vì chuyên chăm sóc đào thế phục vụ người chơi, mỗi năm, anh Lương thu nhập cũng khoảng 100 triệu đồng.
|
"Cây gọi Tết" được người dân bày bán trước thềm Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC |
Là người chuyên chăm sóc đào thế, đào cổ, ông Phan Văn Kiêu, Trưởng làng nghề trồng hoa đào Nhà Nít tiết lộ, năm 2019, gia đình ông có khoảng 700 gốc đào, trong đó có đến hơn 300 gốc đào bán, còn lại hơn 300 cây là đào thế, đào cổ được gia đình cho thuê.
Ông Kiêu cho biết: "Chăm sóc đào thế, nhất là đào cổ có thể đẹp thì giá trị kinh tế mang lại luôn cao. Ngoài việc bán cho khách thì tôi chủ yếu cho thuê. Mỗi gốc đào thế, tôi cho thuê với giá từ 2 đến 10 triệu đồng/gốc, tùy cây".
|
Ông Kiêu bên cánh đồng đào của gia đình. Ảnh: NVCC |
Cây đào phải hội tụ đủ ngũ hành âm dương
Nghe như chuyện cổ tích nhưng mỗi gốc đào phải hội tụ đủ ngũ hành âm dương "kim – mộc – thủy – hỏa – thổ" là yêu cầu khắt khe của người dân ở làng đào Nhà Nít đối với mỗi cây đào được chăm sóc nơi đây.
Người trồng đào làng Nhà Nít quan niệm, mỗi gốc đào hội tụ đủ ngủ hành âm dương là biểu tượng của tuần hoàn của cuộc sống, kế thừa của thế hệ.
Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu về ngũ hành âm dương, ông Kiêu cho biết: "Trên mỗi cây đào không chỉ có nụ mập, hoa to, dày cánh mà còn phải có đủ nụ - lộc - lá - hoa - quả. Một cây đào có đủ các yêu cầu ngũ hành thì giá trị kinh tế mang lại luôn cao. Bởi vậy mà kỹ thuật chăm sóc đào cổ, đào thế luôn khó và vất cả hơn. Cái khó ở đây không chỉ là khâu đánh bầu, vận chuyển đi bán, hay là sẵn sàng bật điều hòa nhiệt độ thấp để nuôi dưỡng đào, mà chính là canh thời điểm tuốt lá, cắt lá đào để cây đào hội tụ đủ ngũ hành vào đúng dịp Tết nguyên đán".
|
Để một cây đào đáp ứng được điều kiện về ngũ hành âm dương, người dân làng đào Nhà Nít căn thời gian để thực hiện công đoạn tuốt lá từ cuối tháng 11 âm lịch. Ảnh: NVCC |
Ông Kiêu chia sẻ: "Để cây đào ra hoa đúng thời điểm Tết cổ truyền thì từ cuối tháng 11 âm lịch, cây đào bắt đầu được chăm sóc tỉ mỉ và tuốt lá. Tuy nhiên, nếu thời tiết rét đậm rét hại kéo dài, thì khoảng thời gian cần cho cây đào, tính từ lúc tuốt lá tới lúc nở hoa phải là 50 - 60 ngày".
Theo ông Kiêu, mặc dù là cây ngắn ngày nhưng cây đào mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Chính bởi tâm miện cành đào là khúc ruột của cơ thể, là hơi thở của cuộc sống, là tương lai của các thế hệ sau mà người dân làng đào Nhà Nít có Tết ấm no nhờ nguồn thu từ việc trồng "cây gọi Tết".
Trao đổi với PV, ông Lương Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Đình cho biết: "Xã Thanh Đình có 15ha diện tích trồng đào, trong đó có hơn 1,2ha vừa được xã chuyển đổi từ diện tích trồng sắn năng suất thấp sang trồng đào, số diện tích còn lại lại được trồng tại vườn của các hộ gia đình trong xã.
Riêng làng đào Nhà Nít, hiện nay, có 125 hộ trồng đào (chiếm trên 90% hộ dân trong làng), trên tổng diện tích 4,7ha, với khoảng hơn 35.000 gốc đào. Năm 2019, có khoảng 30.000 gốc đào được người dân làng đào Nhà Nít xuất bán ra thị trường. Trong đó, có tới hơn 10.000 gốc được trồng mới từ diện tích đất chuyển đổi trồng sắn trước đây".
Cũng theo ông Thắng: "Để nâng cao chất lượng cây hoa đào, giữ gìn nghề trồng đào truyền thống, xã đã khuyến khích người dân, cải tạo và thay thế một số giống hoa đào chất lượng kém bằng những giống đào có nguồn gốc rõ ràng. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quy hoạch lại diện tích trồng đào theo đúng tiêu chuẩn để tiết kiệm diện tích, góp phần đưa thương hiệu hoa đào Nhà Nít đến gần với mọi nhà vào ngày Tết".
Theo ông Thắng, người dân thu về khoảng 450 triệu đồng trên mỗi 1 ha diện tích trồng đào. Bình quân cứ 100 gốc đào, người dân có thể lãi hơn 10 triệu đồng nên những hộ dân trồng từ 500 – 700 gốc đào thì thu nhập có thể lên đến khoảng 100 triệu đồng.
Theo Bảo Loan/Gia đình xã hội