8h sáng, các thương lái ở thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã tập trung về một quán cà phê dưới chân cầu Vĩnh Thuận để chuẩn bị cho hoạt động "đấu giá" cua.
|
Các thương lái tập trung về một điểm để "đấu giá" cua (Ảnh: Bảo Trân). |
Sau khi tập hợp đông đủ, các thương lái bày cua từ giỏ xách ra rổ để phân loại, ngã giá xôm tụ như một khu "chợ đầu mối". Hàng chục thương lái từ khắp các xã, ấp trên địa bàn để cùng tham gia.
|
Chợ "đấu giá" cua tấp nập từ 8 giờ sáng (Ảnh: Bảo Trân). |
Anh Đỗ Thích (chủ vựa cua Đỗ Thích, thị trấn Vĩnh Thuận) cho biết chợ "đấu giá" cua này đã kéo dài liên tục nhiều tháng nay. Hoạt động thu - mua, ngả giá cua giữa các bên diễn ra tấp nập nhất vào mỗi buổi sáng.
"Hôm nay, giá cua tương đối ổn định. Cua tứ (cua dưới 300gram) được thu mua với giá dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg; cua y (cua đực) từ 300.000 - 350.000 đồng/kg; cua gạch giá không quá 460.000 đồng/kg; cua cốm giá không quá 500.000 đồng/kg", anh Thích cho hay.
|
Anh Đỗ Thích, chủ một vựa cua biển ở Vĩnh Thuận, Kiên Giang đã tập trung về chợ "đấu giá" cua từ sáng sớm (Ảnh: Bảo Trân). |
Theo anh Thích, chợ "đấu giá" cua này được hình thành dựa trên nhu cầu, thói quen mua bán, trao đổi cua biển giữa các thương lái. Nhờ vào hoạt động "đấu giá" này, thương lái sẽ tiết kiệm được phần lớn thời gian đi khắp nơi thu mua, người dân có nhu cầu mua - bán đều tìm đến một điểm.
Ngoài ra, việc tập hợp để giao thương sẽ giúp giá cua được ổn định theo vùng, không bị chênh lệch hay diễn ra tình trạng thương lái ảo giá.
|
Hoạt động trao đổi, mua bán diễn ra sôi nổi ở chợ "đấu giá" cua (Ảnh: Bảo Trân). |
"Khoảng 20 - 30 người cứ 8h sẽ tập hợp về đây. Hầu hết các thương lái thu mua cua lâu năm ở Vĩnh Thuận đều có mặt, ai đưa giá cao thì bán cho người đó, tùy theo người mua thương lượng", anh Đỗ Văn Vũ (thương lái cua ở kênh Cái Nhum, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận) nói.
|
Cua gạch được thu mua trong ngày 22/9 có giá khoảng 460.000 đồng/kg. |
Để lựa chọn được cua ngon và không mất nhiều thời gian của bên mua lẫn bên bán, thương lái phải có nhiều năm kinh nghiệm thu mua để "thực chiến" tại chợ "đấu giá" cua. Thông thường, mỗi người sẽ mang theo đèn pin để soi chất lượng cua.
"Cua thịt thường là cua đực, yếm nhọn, để lựa được cua thịt ngon mình dùng tay bóp mạnh vào phần vỏ hoặc phần mai thấy cua không bị mềm, ấn vào đau tay thường cua này rất chắc thịt. Cua gạch mình chọn cua cái, có yếm bầu tròn, cua nhiều gạch dùng đèn pin soi không thấy bên trong, dùng tay ấn vào phần mai thấy cứng, cua nặng và chắc", một thương lái cho biết.
Theo Bảo Trân/Dân trí