Dịch vụ đổi tiền lẻ ngập chợ mạng
Còn khoảng hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới lì xì Tết đã khá sôi động trên chợ mạng.
Chỉ gần gõ từ khoá "đổi tiền lẻ tết", "đổi tiền lẻ tết 2022"...trên Facebook là xuất hiện một loạt bài đăng nhận đổi tiền lẻ với đủ các loại mệnh giá.
Không chỉ trên Facebook, khi gõ từ khóa "đổi tiền lẻ" trên các công cụ tìm kiếm, hàng chục website cung cấp dịch vụ này sẽ hiện ra.
|
Dịch vụ đổi tiền lẻ rao đầy chợ mạng. Ảnh chụp màn hình |
Tài khoản Facebook Giáng My Hoàng nhận đổi tiền lẻ mới các loại từ 1.000, 2.000, 5.000 đồng đến 10.000, 20.000, 50.000 đồng. Người này nhận đổi số lượng không giới hạn và đảm bảo tiền mới nguyên thếp, nguyên cọc, nguyên bao và nguyên seri.
Phí đổi tiền lẻ, tiền mới đang ở mức khá cao. Một tài khoản Lily Phan nhận đổi tiền lẻ 1.000 đồng với mức phí hơn 100.000 đồng (với 1 triệu đồng); 1 triệu tiền 10.000 mức phí là 80.000 đồng, 1 triệu tiền 20.000 và 50.000 mức phí là 90.000 đồng.
Trong khi đó, một số cửa hàng cho biết, mức phí đổi tiền lẻ sẽ thấp khi khối lượng đổi từ vài trăm triệu đồng trở lên, hoặc trở thành đại lý đổi tiền mới.
Tuy nhiên, với tờ tiền cotton mệnh giá 500 đồng thì mức giá đổi lại rất cao. Do quan niệm màu đỏ là màu của may mắn nên với 100 tờ 500 đồng, tổng số tiền phải trả là 300.000 đồng (phí 250%). Mức phí được cho là đã giảm so với những năm trước.
Cẩn thận dính "bẫy" khi đổi tiền qua mạng
Trước nhu cầu đổi tiền mới dịp cuối năm của nguời dân tăng cao, một số người kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng phần trăm chêch lệch. Thậm chí, một số đối tượng còn đi lừa đảo dựa vào chiêu thức đổi tiền dịp tết.
Vì thế, người dân đổi tiền lẻ thời điểm này có thể đối mặt với nhiều rủi ro như bị đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.
|
Người tiêu dùng cảnh giác với chiêu trò lừa đảo dịp gần Tết. Ảnh: Facebook |
Về hoạt động thu đổi tiền để hưởng chênh lệch, các chuyên gia pháp lý cho rằng, những hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi như trên là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này đã quy định rõ: "Chỉ có Ngân hàng Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng; chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài; Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân".
Theo pháp luật hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Hoàng Minh