Chị Đậu Thị Hiền (sinh năm 1986, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vay mượn họ hàng và cầm cố sổ đỏ để thu xếp số tiền 270 triệu đồng, nộp cho một công ty môi giới mới mong muốn trở thành tu nghiệp sinh sang Nhật Bản làm việc. Sau khi nộp tiền và học tiếng một thời gian, chị được công ty môi giới trụ sở ở Linh Đàm (Hà Nội) yêu cầu về quê chờ đợi để “sắp xếp” công việc bên Nhật.
Chờ đợi 6 tháng vẫn không thấy được gọi, chị và một số người cùng đi nóng ruột, cộng thêm áp lực nợ nần nên quyết định ra Hà Nội xin rút lại tiền. Tuy nhiên, sau khi ra Hà Nội thì doanh nghiệp đã thay đổi địa chỉ, số liên lạc. Gọi điện cho lãnh đạo doanh nghiệp cũng không được.
Biết là mình đã bị lừa, chị Hiền cùng khoảng 20 người đã viết đơn tố cáo, trong khi cuộc sống “như ngồi trên đống lửa” với khoản nợ nần khó có thể trả được.
Tình cảnh của chị Hiền là một trong hàng nghìn trường hợp trên cả nước đang bị lừa với chiêu bài gửi thực tập sinh, du học sinh đi Nhật Bản. Con số này chưa dừng lại, kéo theo cảnh nợ nần, khó khăn của nhiều người mong muốn sang Nhật Bản làm việc, nhưng không thể trở thành hiện thực.
'Giấc mơ Nhật Bản'
Nguyễn Văn Nam (23 tuổi, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội. Ra trường khó tìm việc làm, gia đình đã thu xếp cho Nam đi Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh trong 3 năm. Số tiền phải lo chi phí khoảng 300 triệu đồng.
|
Mức lương hấp dẫn là lý do nhiều lao động Việt Nam chọn Nhật Bản. Ảnh minh họa |
Sang Nhật sinh sống, học tập, và làm việc, hưởng môi trường văn minh và thu nhập cao, là ước mơ của nhiều người Việt. "Đi lao động nước ngoài, lựa chọn số 1 là Nhật, sau đó Hàn Quốc rồi mới tới các nước khác", Đoàn Văn, nhân viên một công ty môi giới nói về ưu tiên của các khách hàng mà doanh nghiệp của anh đã tư vấn gần 10 năm qua.
Lý do thì nhiều, từ sự tương đồng văn hóa, khoảng cách địa lý không quá xa đến sức hấp dẫn của thu nhập và cơ hội việc làm tương lai. Với nhiều người, Nhật là lựa chọn đầu tiên bởi đồng lương xứng đáng. Thu nhập tại Nhật quy đổi sang tiền Việt là bài toán được đặt ra với hầu hết người lao động.
"Làm ở Nhật, lương tính ra tầm 30 triệu/tháng, chưa kể làm thêm, tiền ăn ở, sinh hoạt hết 10-15 triệu, thì mỗi tháng còn để dành được hơn nửa. Bây giờ làm gì ở Việt Nam để có được mức tiết kiệm ấy", anh Nguyễn Tuấn, quê Thanh Hóa, hiện làm việc tại Osaka, Nhật cho biết.
Cha của anh Tuấn thì bảo: "Tôi chỉ mong nó rèn được kỷ luật và thói quen làm việc ở Nhật, để khi về nước chí thú làm ăn. Người ta cũng nói với tôi, với tiếng Nhật tốt, khi về nước, nó có thể dễ dàng kiếm việc tại các công ty Nhật tại Việt Nam".
Lượng người tìm cách đi Nhật ngày càng nhiều. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện đã có khoảng 100.000 người Việt Nam đã đi Nhật Bản theo diện thực tập sinh. Số lượng sinh viên Việt Nam học tại Nhật cũng lên tới gần 60.000 người.
Đủ chiêu lừa đảo
Đáng ứng nhu cầu, cũng tận dụng lĩnh vực “béo bở”, số lượng doanh nghiệp tư vấn du học, tư vấn thực tập sinh Nhật Bản cũng tăng chóng mặt. Hoạt động từ thành thị đến nông thôn, bất kể thời điểm nào trong năm. Chiêu thức lừa đảo, gắn mác đi Nhật cũng bùng nổ.
Tiến sĩ luật Hirota Fushihara từ Dự án trao đổi thông tin cho người Việt Nam đi Nhật Bản (IEVJ) cho biết qua 2 năm triển khai dự án thiện nguyện để tư vấn cho những bạn trẻ có nhu cầu đi học và làm việc tại Nhật cũng như hỗ trợ khi gặp rắc rối, ông nhận ra một số chiêu lừa đảo điển hình: lao động dạng visa thương mại, sang Nhật với đơn hàng kỹ sư vệ sinh, kỹ sư khách sạn, kỹ sư chế biến thực phẩm, hoặc cam kết bao đỗ đơn hàng, bao tiếng.
Đơn cử với chiêu lừa đảo đầu tiên, các bạn lao động sau khi ký Hợp đồng đi Nhật thực tập kỹ năng và được đưa ra sân bay thì nhận được hộ chiếu với visa 15 ngày cùng lời nhắn sang Nhật sẽ chuyển được thành thẻ cư trú 3 năm. Cùng với đó, doanh nghiệp này yêu cầu khách hàng nộp một khoản tiền lớn. Nạn nhân thường trả cho công ty đó khảng 300 triệu đồng.
Người lao động sau khi sang Nhật được gặp gỡ những người Việt Nam chuyên môi giới việc làm ở chợ đen, thuê hộ chiếu và thẻ cư trú để đi phỏng vấn. Có việc thì là làm chui, không việc thì cứ vừa ẩn nấp vừa tự lo trang trải cuộc sống.
Không ít thanh niên Việt vì tin lời đã bị đẩy vào con đường cư trú bất hợp pháp, không được luật lao động Nhật Bản, không được các cơ quan tại Nhật bảo vệ.
"Một khi bị cảnh sát phát hiện, con đường duy nhất là bị trục xuất về nước và khó có cơ hội trở lại Nhật. Một khi các bạn bị tai nạn lao động, người ta sẽ đá các bạn đi vì hết khả năng bóc lột. Một khi các bạn bỏ trốn vì bị hành hạ, thì các bạn sẽ bị truy lùng, sống trong sự sợ hãi và bế tắc", IEVJ cảnh báo.
Trường hợp khác, công ty môi giới yêu cầu khách hàng trước khi đi Nhật cần phải nộp một khoản tiền ký quỹ. Số tiền này vào khoảng 200-300 triệu đồng. Sau đó doanh nghiệp cũng cho đi đào tạo, học tiếng và yêu cầu khách hàng về nhà chờ đợi để sắp xếp công việc bên Nhật.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng vẫn không có công ty nào của Nhật tiếp nhận, khách hàng cũng không sang được Nhật. Khách hàng muốn đòi lại tiền của doanh nghiệp cũng khó bởi có trường hợp thì thay đổi địa chỉ, số liên hệ, “bạt vô âm tín”. Có trường hợp thì yêu cầu phải chờ đợi, không được phá ngang hợp đồng (đòi tiền lại). Nếu phá ngang hợp đồng thì sẽ không được hoàn tiền.
|
Tháng 3 vừa qua, một tu nghiệp sinh 24 tuổi người Việt nói anh bị lừa qua Nhật để dọn rửa các khu vực nhiễm phóng xạ tại tỉnh Fukushima. Ảnh: Nikkei. |
Đặc biệt, các công ty môi giới ngày càng ưa thích việc về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để “gieo giấc mơ Nhật”. Tại đó, người dân không am hiểu hợp đồng có thể dễ bị rơi vào cảnh lừa đảo. Từ đó dẫn đến cảnh nợ nần, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.
Tỉnh táo trước “giấc mơ Nhật”
Gần đây, trên trang website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam liên tục phát đi những cảnh báo về tình trạng có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng việc cấp visa du lịch để lừa đảo, đưa thực tập sinh, du học sinh đi Nhật một cách bất hợp pháp. Thậm chí có cả trường hợp giả mạo giấy tờ để được cấp visa đi Nhật.
Theo Đại sứ quán Nhật, một số bạn trẻ Việt Nam khi làm thủ tục xin visa đã xuất trình giấy tờ giả mạo, bản thân hoàn toàn không biết tiếng Nhật nhưng lại mang đến xuất trình chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N5.
“Có lẽ sẽ phải vay mượn một khoản tiền không nhỏ để thuê người làm giấy tờ giả. Có thể có người nghĩ rằng nếu sang được Nhật thì sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng thực ra không thể làm việc bất hợp pháp ở Nhật. Nếu đến Nhật một cách không chính đáng thì cũng không thể làm việc ở Nhật. Hậu quả là gánh nặng nợ nần vẫn còn đó”, cảnh báo nêu.
Cũng theo Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội: "Các công ty thiếu đạo đức đang biến các bạn trẻ Việt Nam thành những món mồi ngon. Các bạn hãy thận trọng đừng để bị mắc lừa bởi những lời mời chào ngon ngọt kiểu như: chúng tôi sẽ giúp bạn đi Nhật".
Cơ quan này cũng khuyến cáo các bạn có dự định đi du học hoặc thực tập kỹ năng ở Nhật Bản hãy trao đổi với sứ quán hoặc nhóm tư vấn từ các chuyên gia pháp lý để tránh rơi vào tình cảnh đáng thương do vướng gánh nặng nợ nần hay trót nghe những lời đường mật.
Theo Hiếu Công/ Zing