Giá mỗi nơi một khác
Những năm gần đây, nhiều BV tại Hà Nội thành lập thêm nhiều khoa phòng khám dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh và tăng thu nhập. Hình thức khám yêu cầu giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) chi phí cao hơn khám chuyên gia rất nhiều. Dù vậy, nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả tiền để được khám GS, PGS vì tin tưởng trình độ chuyên môn của những chuyên gia này.
Ngay trước cửa Khoa Khám theo yêu cầu (BV Da liễu T.Ư) là tấm bảng báo giá khám GS, PGS của BV. Sau khi tham khảo bảng giá, chị Lê Thị Hoa (quận Hà Đông, Hà Nội) quyết định lựa chọn khám GS với chi phí 350.000 đồng/lượt. “Đã vào BV rồi thì cứ dịch vụ GS, PGS mà khám. Chắc chắn GS sẽ giỏi hơn bác sĩ”, chị Hoa nói.
|
Ảnh minh họa |
Theo “báo giá” của BV Da liễu T.Ư, giá khám GS trong giờ là 350.000 đồng/lượt còn ngoài giờ là 500.000 đồng/lượt; khám PGS có giá tương ứng 250.000 đồng/lượt và 300.000 đồng/lượt. Khám tiến sĩ (TS) là 200.000 đồng/lượt trong giờ và 250.000 đồng/lượt ngoài giờ. Khám bác sĩ chuyên khoa 150.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được khám GS hay PGS. Khi chúng tôi hỏi mua phiếu khám GS, nhân viên bán phiếu khám cho biết, các thầy rất bận nên phải đi sớm hoặc đăng ký trước. Thời điểm 14h chỉ còn được đăng ký khám TS, bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, chi phí khám GS, PGS tại các BV là khác nhau. BV Bạch Mai, BV Mắt T.Ư đều triển khai dịch vụ khám GS. PGS với chi phí từ 200.000 đồng/lượt đến 500.000 đồng/lượt. Tại BV Việt Đức, khám GS, PGS, TS là 500.000 đồng/lượt; khám Thạc sĩ/BSCK I là 300.000 đồng/lượt. Còn tại BV Thanh Nhàn (Hà Nội), chi phí khám PGS, TS. hiện là 160.000 đồng/lượt.
Tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu (BV Phụ sản T.Ư), BV thông báo chi phí khám Hội chẩn Ban giám đốc là 500.000 đồng; Khám GS, PGS là 500.000 đồng/lượt. BV cho biết, giá khám trên căn cứ theo quyết định số 208/QĐ-PSTW do Giám đốc BV Phụ sản T.Ư ký ngày 27/2/2018. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại mỗi buổi, các phòng khám có GS hoặc PGS rất đông bệnh nhân. “Mỗi khi đi khám thai kỳ, tôi đều lựa chọn các GS, hoặc PGS để khám. Chi phí có cao hơn khám bác sĩ thường, nhưng mình tin tưởng chất lượng hơn. Dù gì, họ cũng có vài chục năm kinh nghiệm khám chữa bệnh và nghiên cứu rồi, chị Nguyễn Thị Vân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ khi đi khám thai định kỳ tại BV Phụ sản T.Ư.
Lo PGS, TS “rởm”?
TS.BS Trần Thị Hoa, người từng làm việc cho các tổ chức như WHO, UNICEF, UNFPA, WPF, AusAID,…cho biết, ở nước ngoài không có việc phong hàm GS, PGS như Việt Nam. Thông thường, TS hoặc GS. ở nước ngoài thiên về nghiên cứu, giảng dạy. Trong ngành Y tế cũng vậy, khi đi khám bệnh, chỉ có bác sĩ chứ rất ít GS hay PGS. Chỉ Việt Nam mới có Hội đồng chức danh nhà nước để xét duyệt, công nhận GS. PGS. “Khi tôi đi học ở Mỹ về Việt Nam, họ bảo tôi làm hồ sơ công nhận PGS. Tôi bảo mình đã có đầy đủ tiêu chí về trình độ chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu…thì nghiễm nhiên là PGS hoặc GS rồi, cớ sao phải cần hội đồng xét duyệt”, TS. Hoa nói.
Cũng theo TS. Trần Thị Hoa, tại Việt Nam vài năm gần đây các BV nở rộ dịch vụ khám GS, PGS với chi phí khám khác nhau nhưng đều rất cao. Chính việc phân biệt chi phí khám như vậy cũng dẫn đến chạy đua để được phong GS, PGS nhằm kiếm được nhiều tiền hơn. Vì thế, khám GS hay PGS chưa hẳn đã hơn bác sĩ. Bởi GS “rởm” bây giờ không ít. Hơn nữa, các GS bây giờ phụ thuộc nhiều vào xét nghiệm, thiết bị y tế và công nghệ lăng xê chứ không còn thực chất. Điều này dẫn tới người bệnh bị ảnh hưởng, bởi lẽ họ chỉ nhìn vào cái mác mà không thể biết chất lượng thực tế như thế nào.
Còn theo bác sĩ H.T.T công tác tại một BV T.Ư Hà Nội, các BV ở Hà Nội đều triển khai dịch vụ khám GS, PGS. Bệnh nhân sử dụng dịch vụ khám GS hoặc PGS phải chi trả cao hơn rất nhiều. Tại BV Nội tiết T.Ư, hiện có khám bảo hiểm, khám dịch vụ. Trong khám dịch vụ có chọn bác sĩ và cao hơn là khám GS, PGS. “Khám GS là bậc cao hơn, ngoài khám nhanh, lại được chọn người có học hàm, học vị. Ai có tiền nhiều thì dịch vụ cao, nếu không có tiền thì chọn dịch vụ khám thường. Các GS, PGS phải bỏ công sức học hành, nghiên cứu trong nhiều năm. Do đó, khám một người mới ra trường phải khác với người mất 30 năm nghiên cứu”, bác sĩ T. lý giải.
Tuy nhiên, theo bác sĩ T. không phải tất cả những người có “mác” GS, PGS đều giỏi. Một số người có học hàm GS, PGS nhưng không cập nhật kiến thức mới. Họ chỉ dựa vào cái danh, cái mác cũ để kiếm tiền, còn trình độ thì chưa được kiểm định. “Trong thời đại công nghệ thông tin, thuốc và những tiến bộ trong y học được cập nhật liên tục. Nhưng nhiều GS, PGS thời trước không cập nhật mà vẫn dùng kiến thức 15 đến 20 năm trước. Bệnh nhân không biết, vẫn nhìn vào cái mác GS, PGS đổ xô đến khám”, bác sĩ T. nói.
Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cũng như quy trình xét công nhận được quy định rất cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ. Tuy nhiên, cứ đến thời điểm xét công nhận học hàm lại xảy ra lùm xùm. Ví như đầu năm 2018, khi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 thì đã xảy ra khiếu kiện. Trong số các ứng viên GS được công nhận, có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Sau khi có đơn khiếu nại, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã xem xét, tạm để lại 97 hồ sơ GS, PGS, trong đó có Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ngoài ra, trong đợt xét duyệt này, cũng có nhiều ứng viên GS, PGS của ngành y phải “tạm” để lại. Đến nay, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn chưa được công nhận là GS.
Theo Khánh Linh/Tiền Phong